Khi cờ đến tay Trung Quốc

Khi cờ đến tay Trung Quốc
TP - Vụ việc lực lượng tuần duyên Philippines bắn vào một tàu cá Đài Loan, gây ra cái chết của ngư dân Hung Shih-cheng đang khiến cả Đài Loan sôi sục.

> Đài Loan tăng cường tuần tra vùng biển gần Philippines
> Quân đội Philippines bắn chết 1 ngư dân Đài Loan

Đài Loan thẳng thừng khước từ lời xin lỗi của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, lập tức áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt Philippines, đồng thời khởi động cuộc tập trận tại vùng biển phía Nam hòn đảo này, gần Philippines với sự tham gia của nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu hiện đại, quyết tâm “bảo vệ ngư dân hoạt động trong vùng biển của Đài Loan”.

Trước khi sự việc trên xảy ra, quan hệ Philippines - Đài Loan vốn không xuôi chèo mát mái. Nhiều năm qua, Đài Loan liên tục đưa ra những cáo buộc ngư dân của họ bị bắt giữ, tịch thu tàu và ít nhất một người thiệt mạng trong một vụ nổ súng khác. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, làn sóng chống Philippines bùng nổ mạnh mẽ ở Đài Loan.

Bờ kia eo biển Đài Loan, không khí phản đối Philippines tại Trung Quốc cũng sôi sục chẳng kém. Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố lên án Philippines, gọi đây là hành vi “dã man, tàn bạo”.

Vậy, cách hành xử thiện chí của Bắc Kinh đối với Đài Loan gợi mở điều gì?

Thứ nhất, mối quan hệ Trung Quốc - Đài Loan được cải thiện từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền tại đảo này (năm 2008). Liên kết thương mại, du lịch giữa Đài Loan với đại lục phát triển mạnh mẽ qua từng năm.

Theo các số liệu của Trung Quốc, quan hệ kinh tế song phương đã lên tới 120 tỷ USD hồi năm ngoái. Tháng 1/2012, ông Mã tái cử nhiệm kỳ đến năm 2016. Đây là cơ sở để củng cố quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.

Bản thân giới chức Trung Quốc và Đài Loan mới đây cũng tái khẳng định quan hệ nồng ấm giữa hai bên sau khi một cựu quan chức Đài Loan, ông Liên Chấn, có chuyến công du tới Bắc Kinh, và hội kiến ông Tập Cận Bình ngay trước khi ông Tập lên làm Chủ tịch Trung Quốc (tháng 3/2013).

Thứ hai, mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Đài Loan trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, bất kể hai bờ eo biển ở vào thời điểm nào, Đài Loan không vì thế mà đưa vấn đề biển Đông ra “mặc cả”, thậm chí chính quyền đảo này chưa từng phản ứng trước bất cứ tuyên bố chồng lấn nào từ phía Trung Quốc trên biển Đông.

Gần đây nhất, Trung Quốc ngang ngược thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông từ ngày 16/5 đến 1/8, gây bất bình cho Việt Nam và Philippines, tuy nhiên, như thường lệ, Đài Loan vẫn án binh bất động.

Quay lại khoảng thời gian cuối năm 2012, các “học giả” Trung Quốc và Đài Loan đã đi tới thống nhất hai bên hợp sức về chủ quyền trên biển Đông. Tại cuộc họp báo ngày 31/10/2012 ở Bắc Kinh, phát ngôn viên cơ quan đặc trách Đài Loan của Trung Quốc, ông Dương Nghị, nhấn mạnh việc phối hợp để bảo vệ chủ quyền biển đảo Trung Quốc là “nghĩa vụ” của đồng bào ở cả hai bên eo biển.

Ngoài ra, quan chức này tái khẳng định, quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và Đài Loan, và người dân Trung Quốc, Đài Loan cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ.

Dường như, Philippines và vụ kiện của Manila đối với Bắc Kinh lên Tòa án quốc tế xung quanh tranh chấp trên biển Đông mới là mục đích việc Trung Quốc sốt sắng ủng hộ Đài Loan, gián tiếp gia tăng căng thẳng quan hệ Philippines - Đài Loan?

Trước sự cố trên, Trung Quốc cảm nhận vụ kiện của Philippines đối với nước này lên Tòa án quốc tế ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng đối với Bắc Kinh. Nếu Philippines thành công, Trung Quốc sẽ gánh những phán quyết pháp lý bắt buộc, thậm chí phải từ bỏ tham vọng “đường lưỡi bò”, đồng thời tạo tiền lệ pháp lý để các quốc gia có tranh chấp biển với Bắc Kinh tiếp tục đâm đơn.

Chuyến xuất ngoại trên cương vị Ngoại trưởng Trung Quốc của ông Vương Nghị đầu tháng 5 năm nay rất đáng quan tâm, bởi đây là lần đầu tiên trong 15 năm, một tân ngoại trưởng Trung Quốc lựa chọn Đông Nam Á làm điểm công du nước ngoài đầu tiên.

Các nước mà ông Vương Nghị đặt chân tới là Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei đều không gần gũi với Trung Quốc như Campuchia, Myanmar và không phản đối mạnh mẽ Trung Quốc trong vấn đề biển Đông như Philippines.

Qua nội dung làm việc, thông điệp Bắc Kinh gửi tới ASEAN rất rõ ràng: “nhắc nhở” các nước không tranh chấp với Trung Quốc giữ vai trò trung lập; từng bước phân hóa ASEAN trong vấn đề biển Đông; gia tăng áp lực, buộc Philippines phải rút đơn kiện.

Có thể thấy rằng, vụ việc đáng tiếc Philippnines bắn chết ngư dân Đài Loan là cơ hội không thể tốt hơn trong bối cảnh hiện nay, giúp Bắc Kinh xác lập vị thế mới với Manila một khi Tòa án quốc tế thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines. Nói nôm na: Bước ngoặt xảy ra và cờ đã đến tay Trung Quốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.