Shangri-la 12 và sự kỳ vọng vào Việt Nam

Shangri-la 12 và sự kỳ vọng vào Việt Nam
TP - Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức từ năm 2002, nhằm tạo diễn đàn cho quan chức hàng đầu về quốc phòng của 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (châu Á-TBD) đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh.

> Shangri - La năm nay và vấn đề Trung Quốc
> Phía sau việc Trung Quốc bất ngờ đề xuất đàm phán COC

Tầm quan trọng Shangri-La nằm ở hai khía cạnh: Các bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao có cơ hội đưa ra các phát biểu quan trọng; quan chức sử dụng đối thoại để sắp xếp các cuộc gặp không chính thức với những người đồng nhiệm.

Shangri-La 10 năm 2011 diễn ra ít ngày sau khi các tàu khảo sát Bình Minh 02 của Petro Việt Nam (VN) bị tàu hải giám của Trung Quốc (TQ) cắt cáp, gây phản ứng trong cộng đồng quốc tế và châm ngòi cho cuộc bùng nổ pháp lý xung quanh chủ quyền trên biển Đông.

Shangri-La 10 cũng là lần đầu tiên nền tảng học thuyết “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” của Mỹ xuất hiện, với tuyên bố của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, cam kết đến năm 2020, Hải quân Mỹ bố trí 60% lực lượng quân sự ở châu Á-TBD.

Một năm sau, Shangri-La 11 chứng kiến sự can dự của Nga. Trước khi cử phái đoàn sang Singapore, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh “80% lãnh thổ Nga nằm ở châu lục này”, chỉ đạo thành lập “Công ty khai thác Viễn Đông” hoạt động dưới sự giám sát của Tổng thống, tăng cường liên minh, mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước khu vực.

Việc Mỹ, tiếp đó là Nga tuyên bố lợi ích ở châu Á-TBD khiến TQ quan ngại. Tại Shangri-La 10 và 11, Bắc Kinh công khai chỉ trích sự phô diễn sức mạnh của Washington, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực; một mặt lôi kéo đồng minh, gạt bỏ vai trò của Mỹ trong giải quyết tranh chấp biển Đông, mặt khác điều động tàu chiến đến biển Hoa Đông và biển Đông.

Có thể thấy, châu Á-TBD trở thành “mặt trận” mới của nhóm tam cường Mỹ-Trung-Nga trong cuộc đua giành quyền ảnh hưởng tại châu lục được đánh giá năng động nhất thế giới hiện nay, mà trong đó Shangri-La “nâng tầm” thành diễn đàn quan trọng thể hiện quan điểm, quyết tâm trong chính sách ngoại giao của các cường quốc.

Từ ý nghĩa đó, Shangri-La 12 khai mạc vào cuối tuần này (31/5-2/6) càng thu hút hơn sự quan tâm của cộng đồng thế giới. Shangri-La diễn ra trong bối cảnh khu vực khuấy động do vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa TQ với các nước tuyên bố chồng lấn, đặc biệt là biển Đông, cùng với đó là một loạt chiến hạm các nước Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản và Ấn Độ đổ về khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đọc diễn văn đề dẫn trong ngày khai mạc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị khẳng định: “Bài phát biểu của Thủ tướng đề cập chính sách đối ngoại-an ninh-quốc phòng vì hòa bình-an ninh và hợp tác phát triển của VN; các biện pháp xây dựng lòng tin dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời đề xuất phương hướng xử lý các vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh-an toàn hàng hải ở biển Đông”.

Như vậy, Đối thoại Shangri-La 12 là dịp VN nêu bật các vấn đề cốt lõi liên quan mà quốc tế cần quan tâm giải quyết để bảo đảm an ninh cho khu vực, như kỳ vọng của tiến sĩ John Chipman, Giám đốc IISS: “Sự tham dự của Thủ tướng VN chứng tỏ vai trò quan trọng mà Shangri-La đóng góp trong các thảo luận liên chính phủ về quốc phòng và an ninh trong khu vực châu Á-TBD”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG