EU bỏ cấm vận vũ khí Syria

EU bỏ cấm vận vũ khí Syria
TP - Anh và Pháp sẽ được tự do cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ tháng 8 tới đây, sau khi các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đồng ý để lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria sẽ hết hạn vào cuối tuần này.

> EU xem xét bỏ cấm vận vũ khí đối với Syria
> Liên minh châu Âu dỡ bỏ cấm vận đối với Myanmar

Quân nổi dậy Syria (cầm súng) bắt một cảnh sát bị thương ở thành phố Aleppo. Nguồn: Tootlafrance
Quân nổi dậy Syria (cầm súng) bắt một cảnh sát bị thương ở thành phố Aleppo. Nguồn: Tootlafrance.

Sau phiên đàm phán kéo dài tại Brussels (Bỉ), hôm qua, các thành viên EU không thể gạt bỏ khác biệt nên phải để lệnh cấm vận vũ khí hết hạn theo đúng thời gian. Pháp và Anh coi đây là chiến thắng với cái giá phải trả là sự chia rẽ trong EU. Anh và Pháp cam kết không chuyển vũ khí cho lực lượng đối lập Syria trước ngày 1/8.

Các nhà phân tích nhận định, việc London và Paris từ chối theo đuổi lệnh cấm vận vũ khí có thể dẫn đến sự sụp đổ của tất cả gói biện pháp trừng phạt chống lại Syria, khiến EU mất mặt và mang lại chiến thắng cho ông Assad.

Các bộ trưởng EU có thể đảo ngược tình thế đó bằng cách đồng ý khôi phục tất cả biện pháp trừng phạt, ngoại trừ biện pháp vũ trang cho quân nổi dậy.

Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Syria vẫn còn hiệu lực bao gồm phong tỏa tài sản, cấm đi lại đối với ông Assad và các quan chức Syria cấp cao, cùng với biện pháp hạn chế thương mại, các dự án hạ tầng và giao thông.

Sẽ vũ trang quân nổi dậy nếu tình hình xấu đi

Anh và Pháp nhiều tháng nay vẫn cho rằng châu Âu cần đánh tín hiệu mạnh rằng, họ đang ủng hộ lực lượng nổi dậy chống lại ông Assad bằng cách cho phép EU cung cấp vũ khí, dù họ vẫn chưa quyết định có nên đưa vũ khí đến Syria hay không.

Hai nước này cực lực phản đối các chính phủ khác trong EU, đứng đầu là Áo và Thụy Điển với quan điểm rằng việc gửi vũ khí tới khu vực sẽ làm tăng bạo lực và khiến bất ổn lan rộng.

Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Áo Michael Spindelegger bày tỏ lấy làm tiếc vì không thể tìm thấy sự đồng thuận với Anh và Pháp. Ông Spindelegger cho biết, Chính phủ Áo đang thảo luận cần làm gì với 380 lính của nước này đang tuần tra tại khu vực ngừng bắn trên cao nguyên Golan nằm giữa Israel và Syria. Áo từng nói sẽ rút quân về nếu lệnh cấm vận vũ khí bị dỡ bỏ.

“Chúng tôi hiện nay chưa có kế hoạch gửi vũ khí tới Syria, nhưng quyết định này giúp chúng tôi được linh hoạt phản ứng trong tương lai nếu tình hình tiếp tục xấu đi”, Ngoại trưởng Anh William Hague nói với báo giới hôm 28/5.

London và Paris đang tìm cách tăng động lực cho phe nổi dậy trong hội nghị hòa bình do Mỹ và Nga tổ chức tháng tới, bằng cách nhấn mạnh khả năng Pháp và Anh có thể cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, nếu tiến trình chính trị không đạt được bước tiến nào.

Vấn đề này ngày càng trở nên cấp bách trong hoàn cảnh quân đội của ông Assad đang chiếm ưu thế và bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Báo Le Monde của Pháp hôm qua nêu nhiều bằng chứng cáo buộc quân đội trung thành với ông Assad nhiều lần dùng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy ở thủ đô Damascus.

Ngay cả khi Anh và Pháp quyết định cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, họ sẽ vẫn phải cấp phép và giám sát từng chuyến vận chuyển vũ khí để đảm bảo số vũ khí ấy không rơi vào tay đối tượng không mong muốn.

Lệnh cấm vận vũ khí của EU được áp dụng từ tháng 5/2011, đối với cả quân nổi dậy và chính phủ Syria.Tháng 2 năm nay, các ngoại trưởng EU đồng ý để các nước thành viên cung cấp trang thiết bị phi sát thương “để bảo vệ dân thường”.

Hôm 28/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng, việc EU cho phép các nước thành viên cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria sẽ trực tiếp hủy hoại cơ hội tổ chức hội nghị quốc tế vì hòa bình ở nước này mà Nga và Mỹ đang cố gắng tổ chức vào tháng 6.

Tổ chức phi chính phủ Oxfam cảnh báo sẽ có “hậu quả khủng khiếp” nếu lệnh cấm vận vũ khí bị dỡ bỏ và thêm vũ khí được chuyển tới Syria.

Bình Giang Theo
CNN, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG