Phong trào xã hội hay chính đảng?

Phong trào xã hội hay chính đảng?
TP - Sau hai năm tồn tại như một liên minh lỏng lẻo, phong trào xã hội mới mang tên “Mặt trận Nhân dân Toàn Nga” do ông Vladimir Putin khởi xướng khi còn làm Thủ tướng Nga đã chính thức được thành lập và do chính ông, nay ở cương vị Tổng thống Nga, lãnh đạo, với mục tiêu là tập hợp tất cả các lực lượng xã hội và chính trị để phục vụ nước Nga, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa mới.

> Tổng thống Assad tại vị: Âu - Mỹ lo, Iran mừng

Hoạt động của phong trào này được ông Putin nêu rõ sẽ xoay quanh những ưu tiên chủ chốt để phát triển đất nước là tăng cường đoàn kết quốc gia, sự thống nhất các thế hệ và giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên.

Theo một số nhà phân tích, việc ông Putin chấp nhận đứng đầu Mặt trận Nhân dân Toàn Nga cho thấy dường như ông muốn khẳng định sự “đứng bên ngoài” của mình đối với với các vụ bê bối của đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền hiện nay.

Trước kia, ông Putin là một trong những thành viên sáng lập đảng Nước Nga Thống nhất và chính đảng này đã mang lại chiến thắng cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống Nga nhiệm kỳ đầu hồi năm 2001.

Thế nhưng, trong 8 năm cầm quyền nước Nga sau đó, ông tự nhận mình là người dẫn dắt toàn nước Nga chứ không thuộc một chính đảng nào. Ông chỉ giữ cương vị Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất khi làm Thủ tướng 4 năm trước nhiệm kỳ tổng thống hiện tại.

Tuy nhiên, uy tín của đảng Nước Nga Thống nhất đang suy giảm bởi những bê bối tham nhũng mới bị phát hiện gần đây, liên quan đến một số thành viên sáng lập. Tỉ lệ ủng hộ của chính đảng này tiếp tục đi xuống từ 55% ủng hộ năm 2009 xuống còn 40% trong cuộc thăm dò gần đây nhất.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cũng cho rằng có vẻ như người đứng đầu Điện Kremlin đang chuẩn bị cho một tình huống là phong trào “Mặt trận Nhân dân Toàn Nga” rốt cuộc sẽ thay thế đảng “Nước Nga thống nhất” cầm quyền, trong trường hợp nền kinh tế đi xuống và tâm lý bất bình của người dân gia tăng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán về sự cáo chung của đảng “Nước Nga Thống nhất”, ít nhất là trước cuộc bầu cử quốc hội liên bang vào năm 2016 tới. Ngoài ra, do “Mặt trận Nhân dân Toàn Nga” được định danh là một phong trào xã hội chứ không phải một chính đảng nên cũng không thể khẳng định nó sẽ quyết định sinh mệnh chính trị của “Nước Nga Thống nhất”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG