ASEAN – Trung Quốc hợp tác cứu nạn trên biển

ASEAN – Trung Quốc hợp tác cứu nạn trên biển
TPO - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, đề xuất của Việt Nam trong hợp tác cứu hộ trên Biển Đông là phải xác định được đầu mối ở mỗi quốc gia để liên lạc trực tiếp với nhau.
Hội thảo ASEAN – Trung Quốc với chủ đề “Tăng cường hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn tại Biển Đông”. Ảnh: VOV
Hội thảo ASEAN – Trung Quốc với chủ đề “Tăng cường hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn tại Biển Đông”. Ảnh: VOV .

Xác định đầu mối

Trước vòng vây của đông đảo báo chí trong nước và quốc tế sáng 19/6 bên lề hội thảo “Tăng cường hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn trên biển Đông” tại Hà Nội, thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho hay, đề xuất của Việt Nam trong hợp tác cứu hộ trên Biển Đông là phải xác định được đầu mối ở mỗi quốc gia để liên lạc trực tiếp với nhau.

Ông Phạm Quang Vinh nhắc lại sáng kiến Việt Nam từng nêu thời kỳ làm Chủ tịch ASEAN (năm 2010). Trong đó, phải xác định được đầu mối của mỗi quốc gia trong khu vực để khi có thông tin này hay thông tin kia về những công dân, ngư dân của nước này hay nước kia gặp nạn, có thể liên hệ trực tiếp với nhau, với nước gần nhất.

Đáng chú ý, mỗi quốc gia khi tham gia thỏa thuận hợp tác như thế này, trong nguồn lực của mình, phạm vi khả năng của mình, có những biện pháp hỗ trợ ban đầu cần thiết nhất, trước khi nước có công dân có thể được cứu trợ.

Đặc biệt, làm sao xây dựng được cơ chế hợp tác trong khu vực. Các bên phải chia sẻ chính sách với nhau để làm sao có cơ chế phối hợp. Cơ chế hợp tác này không chỉ cứu hộ, cứu nạn, tím kiếm đối vối người đi biển, tàu thuyền đi biển gặp nạn, mà còn tìm cách đồng thời hỗ trợ năng lực cho mỗi quốc gia thành viên.

Cũng như sáng kiến Việt Nam từng nêu lên hồi 2010, các nước phải thực hiện trên mục đích nhân đạo đối với những người, tàu thuyền đi biển gặp nạn. Họ là người vô tội. Không thể để vì cái này, hay cái kia trong khu vực mà ảnh hưởng đến mục tiêu, câu chuyện nhân đạo.

Khi được hỏi về đường dây nóng dành cho ngư dân, ông Phạm Quang Vinh khẳng định, đó là đầu mối. Xác định đầu mối quốc gia cộng với thiết lập đường dây liên lạc, là một trong những điều quan trọng. Nhưng vấn đề là phải sẵn sàng trên cơ sở nhân đạo, xuất phát từ nhân đạo.

Trả lời về tiến trình hợp tác cứu nạn, thứ trưởng Ngoại giao cho hay, mọi sự tham vấn đều được tiến hành từng bước. Hy vọng những bước tham vấn như thế này sẽ dẫn đến những cam kết, thỏa thuận ở tầm khu vực. Khi đã có những cam kết, thỏa thuận ở tầm khu vực, chúng ta sẽ có điều kiện phối hợp, hợp tác với nhau tốt hơn, tránh xảy ra những sự việc mà được coi là đáng tiếc.

Theo ông Vinh, đây là một trong những bước khởi đầu, nó không chỉ là lợi ích của một vài nước mà là lợi ích chung của ASEAN, Trung Q uốc và các nước trong khu vực. Chính vì vậy, nó được đưa vào trong chương trình công tác chung của ASEAN - Trung Quốc. Hy vọng hội thảo nếu chưa đưa ra kiến nghị về chính sách đầy đủ ngay, thì có thể là bước khởi đầu quan trọng, thúc đẩy hợp tác chung.

Trông đợi khởi động COC

Trước đó, trong phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Quang Vinh khẳng định, tình hình biển Đông vẫn phức tạp, tiềm ẩn những rủi ro. Trong khi đó, không ít các nguyên nhân, cả thiên nhiên, thời tiết, đến con người, như bệnh tật hay hỏng hóc tàu thuyền, có thể dẫn đến việc người và tàu thuyền đi biển gặp nạn.

Đối tượng gặp nạn là người đi biển, là những người dân thông thường hay ngư dân. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là mục đích nhân đạo. Đồng thời, chúng ta cùng nhau bàn để có chính sách hợp tác và các biện pháp phối hợp tìm kiếm, cứu hộ cần thiết và phù hợp. Điều này rất có ý nghĩa cả về mặt nhân đạo và xây dựng lòng tin.

Cũng theo ông Vinh, Biển Đông hiện hữu những chồng lấn, tranh chấp về đòi hỏi chủ quyền. Do vậy, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là điều kiện tiên quyết, hết sức quan trọng; là lợi ích, mong muốn và mối quan tâm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.

Chính vì vậy, ASEAN đã vượt qua chặng đường dài, với không ít khó khăn thách thức, để đạt được DOC năm 2002 và gần đây là Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC.

ASEAN cũng thông qua Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về biển Đông (tháng 7/2012). Các nước đều đang trông đợi hai bên sớm chính thức khởi động đàm phán để đạt được bộ Quy tắc COC.

Hội thảo này là một trong những biện pháp xây dựng lòng tin. Trong khi, đối với những chồng lấn đòi hỏi chủ quyền, tranh chấp, đòi hỏi chủ quyền, thì vẫn phải dựa theo những nguyên tắc quan trọng đã được quy định trong tuyên bố DOC. Một bộ phận quan trọng của tranh chấp DOC là các biện pháp xây dựng lòng tin.

Việc cứu hộ, cứu nạn nằm trong tổng thể. Nếu thực sự trong Biển Đông có những phức tạp, kể cả phức tạp về tranh chấp chủ quyền, người và tàu thuyền đi biển có thể gặp nạn do không khí căng thẳng ở khu vực, hay những nguyên nhân về thiên tai, thời tiết, dịch bệnh ốm đau, hoặc tàu thuyền gặp nạn, thì tất cả những cái đó, mục đích nhân đạo phải đặt lên hàng đầu và rất cao, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Diễn ra trong hai ngày 19 và 20/6, hội thảo gồm 3 phần: Thực trạng và sự cần thiết xây dựng các biện pháp chung trong hỗ trợ người và tàu thuyền gặp nạn tại biển Đông; Các nhân tố tác động đến việc phối hợp hỗ trợ nhân đạo trong khu vực; những khuyến nghị cụ thể về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu hộ đối với người và tàu thuyền gặp nạn tại biển Đông.

Thành phần tham dự rất đa dạng, là đại diện cho lực lượng cứu nạn, cảnh sát, giao thông đường biển, hải quân, thủy sản… của Trung Quốc, Việt Nam, các nước thành viên ASEAN khác.

Theo Viết
MỚI - NÓNG