Hướng tới thỏa thuận khu vực

Hướng tới thỏa thuận khu vực
TP - Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo “Tăng cường hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn trên biển Đông” sáng 19/6 tại Hà Nội, các đại diện của Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia đều bày tỏ trông đợi có được một vùng biển an toàn, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế.

> ASEAN – Trung Quốc hợp tác cứu nạn trên biển
> ASEAN – Trung Quốc sắp họp tại Hà Nội

Mong có thỏa thuận về cứu nạn khẩn cấp

Ông Agus Haryono, Phó giám đốc bộ phận Tác chiến Tìm kiếm Cứu nạn của Cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia Indonesia, nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ có một thỏa thuận quan trọng về cứu nạn khẩn cấp giữa Trung Quốc và ASEAN”.

Về những sự cố trên biển thời gian qua, ông Haryono cho rằng, bất kỳ sự cố nào ở biển Đông cũng cần được thảo luận theo tinh thần hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. “Tôi hy vọng diễn đàn này sẽ đưa ra được cách giải quyết và đặc biệt là khắc phục được những sự cố cứu nạn bất chợt trên biển Đông”, ông nói.

Diễn ra trong hai ngày 19 và 20/6, hội thảo gồm 3 phần: thực trạng và sự cần thiết xây dựng các biện pháp chung trong hỗ trợ người, tàu thuyền gặp nạn trên biển Đông; các nhân tố tác động việc phối hợp hỗ trợ nhân đạo trong khu vực; các khuyến nghị cụ thể về tăng cường hợp tác tìm kiếm, cứu hộ. Đại biểu là đại diện lực lượng cứu nạn, cảnh sát giao thông đường biển, hải quân, thủy sản…

Ông Châu Mân (Zhou Min), Phó chủ nhiệm Văn phòng trực ban của Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Trung Quốc, cho biết, đoàn đại biểu Trung Quốc đề xuất thành lập đường dây nóng về tìm kiếm, cứu nạn trên biển, và diễn tập chung để chia sẻ kinh nghiệm, có thể là diễn tập thực nghiệm, diễn tập về thông tin, tập trận.

Về hiệu quả của hợp tác tìm kiếm cứu hộ, ông Châu Mân cho rằng phụ thuộc vào ba yếu tố: thông tin, mức độ thỏa thuận và kỹ năng/khả năng.

Về việc thiết lập đường dây nóng dành cho ngư dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh khẳng định: “Đấy là đầu mối, xác định đầu mối quốc gia cộng với thiết lập đường dây liên lạc tức thì là một trong những điều quan trọng”.

Khi được hỏi về đề xuất của Việt Nam, ông Vinh cho biết, thực chất Việt Nam đã nêu sáng kiến từ năm 2010, khi giữ cương vị Chủ tịch ASEAN.

Theo đó, phải xác định được đầu mối của mỗi quốc gia trong khu vực để khi có thông tin về công dân nước này, nước kia gặp nạn thì có thể liên hệ trực tiếp với nhau, với quốc gia gần nhất. Bên cạnh đó, khi tham gia dàn xếp, thỏa thuận hợp tác như vậy, mỗi quốc gia có thể có những biện pháp hỗ trợ ban đầu cần thiết nhất, trước khi công dân gặp nạn được cứu hộ, cứu trợ.

Cứu người trên hết

Trong phần khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhận định, tình hình biển Đông vẫn phức tạp, tiềm ẩn những rủi ro. Ông nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc đã vượt qua một chặng đường dài, với không ít khó khăn, thách thức, để đạt được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) năm 2002 và gần đây là Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC.

ASEAN cũng thông qua Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về biển Đông (tháng 7/2012). Các nước đều đang trông đợi hai bên sớm chính thức khởi động đàm phán để đạt được bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

“Biển Đông hiện hữu những chồng lấn, tranh chấp về đòi hỏi chủ quyền. Do vậy, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông là điều kiện tiên quyết hết sức quan trọng, là lợi ích, mong muốn và mối quan tâm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, đối với những vùng chồng lấn có tranh chấp, việc đòi hỏi chủ quyền vẫn phải dựa theo những nguyên tắc quan trọng đã được quy định trong DOC. Việc cứu hộ, cứu nạn phải nằm trong tổng thể; người, tàu thuyền đi biển dù gặp nạn do thiên tai, thời tiết, dịch bệnh… hay do tình hình căng thẳng ở khu vực hay thì mục đích nhân đạo vẫn phải được đặt lên hàng đầu, Thứ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, các bên phải chia sẻ chính sách với nhau để làm sao có cơ chế phối hợp. Cơ chế này không chỉ liên quan cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm đối vối người đi biển, tàu thuyền gặp nạn mà còn hỗ trợ năng lực cho mỗi quốc gia thành viên.

Về tiến trình hợp tác cứu nạn, Thứ trưởng Vinh nói rằng, mọi sự tham vấn đều được tiến hành từng bước, hy vọng sẽ dẫn đến những cam kết, thỏa thuận ở tầm khu vực. Khi đã có những cam kết, thỏa thuận ở tầm khu vực, sẽ có điều kiện phối hợp, hợp tác tốt hơn, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG