Cần sớm có COC

Cần sớm có COC
TP - Ngày 1/7 tại Brunei, các ngoại trưởng ASEAN tiếp tục tiến hành các hội nghị ASEAN + 1 với 8 bên đối tác đối thoại gồm Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Canada, New Zealand và Liên minh châu Âu. Các bên khẳng định cần sớm cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

> Mỹ, Trung Quốc, Nga toan tính gì ở Biển Đông?
> 'Vấn đề Biển Đông là mối quan tâm chung của khu vực'

Các ngoại trưởng ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (đầu tiên bên phải) và Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide (thứ năm bên trái) dự lễ ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Brunei ngày 1/7. Ảnh: Xinhua
Các ngoại trưởng ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (đầu tiên bên phải) và Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide (thứ năm bên trái) dự lễ ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Brunei ngày 1/7. Ảnh: Xinhua.

Tại các hội nghị trên (trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46), các bộ trưởng thảo luận nhiều vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông.

Các bên chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và biển Đông; nhấn mạnh cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố Cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC. Các bên cũng bày tỏ mong muốn ASEAN, Trung Quốc duy trì tham vấn về đàm phán chính thức về COC.

Trong các cuộc trao đổi tại các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định ủng hộ mạnh mẽ lập trường và các nguyên tắc ASEAN về vấn đề biển Đông, trong đó có nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết sớm đạt được COC, nhằm bảo đảm hiệu quả hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.

Các đối tác cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN

Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao những tiến triển tích cực và quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng chung lợi ích như kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, ứng phó các thách thức đang nổi lên, các vấn đề an ninh phi truyền thống… Bộ trưởng đề nghị các đối tác đối thoại tiếp tục ủng hộ và có những đóng góp thiết thực cho các mục tiêu trọng tâm của ASEAN như xây dựng Cộng đồng, triển khai liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng sông Mekong; nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế của khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng… Cùng ngày, trên cương vị là nước điều phối quan hệ ASEAN-EU, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại, bà Catherine Ashton, đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU. Hai bên ghi nhận tiến triển đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và một số nước thành viên ASEAN.

Tại các hội nghị, các đại biểu nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động hiện có giữa ASEAN với từng đối tác hướng vào các trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý thiên tai, giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch... Các đối tác cam kết tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015; đẩy mạnh liên kết và kết nối. Ngoài ra, các đối tác tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực cam kết phối hợp chặt chẽ với ASEAN hoàn tất hiệp định theo đúng lộ trình vào năm 2015. Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ, hai bên nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, biến đổi khí hậu; phối hợp phát triển và sử dụng bền vững nguồn nước ở Tiểu vùng sông Mekong…

Na Uy ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN

Ngày 1/7, tại Brunei, Na Uy ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN - thỏa thuận hợp tác không xâm phạm lẫn nhau giữa các nước thành viên ASEAN và các đối tác (trước Na Uy là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Nga và EU). Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có các cuộc tiếp xúc song phương với người đồng cấp các nước Singapore, Malaysia, Timor Leste, Bangladesh, Mông Cổ, Úc và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của EU.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.