Vì sao Nga ầm ầm tập trận?

Vì sao Nga ầm ầm tập trận?
TP - Trên các vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, vùng Siberia xa xôi và các thị trấn nhỏ bé phía bắc Mátxcơva, quân đội Nga đang thực hiện đợt tập trận lớn nhất từ thời Liên Xô tan rã.

> Nga – Mỹ tập trận tại châu Âu
> Clip cuộc tập trận cực lớn thời hậu Xô Viết

Lính tăng Nga tập trận. Ảnh: Gagyda
Lính tăng Nga tập trận. Ảnh: Gagyda .

Hôm thứ 6 tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin ban lệnh thực hiện đợt tập trận ở vùng Viễn Đông của nước này với sự tham gia của 160.000 binh lính, 1.000 xe tăng, 130 máy bay chiến đấu và 70 tàu chiến.

Không chỉ thế, quân đội Nga vừa tham gia đợt tập trận hải quân chưa từng có tiền lệ với Trung Quốc, trong đó có các bài tập bắn đạn thật và sự tham gia của “vương miện” hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga - tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Varyag.

Thứ 3 tuần trước, Nga triệu tập 500 quân nhân để triển khai đợt tập trận chống khủng bố tại một trung tâm huấn luyện ở miền bắc Mátxcơva.

Trong khi Nga tập trận, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã điều một số máy bay chiến đấu theo dõi các máy bay ném bom Nga gần không phận Nhật Bản và trên quần đảo tranh chấp Kuril.

Đợt tập trận quy mô lớn nhất đang diễn ra ở vùng Viễn Đông, với trọng tâm là tác chiến nhanh và thử nghiệm khả năng hậu cần của quân đội. Khoảng 100 xe tăng thực hiện cuộc hành trình kéo dài gần 700 dặm tới vùng đông nam Siberia gần Mông Cổ và biên giới Trung Quốc, trong khi 562 toa xe lửa vận chuyển thiết bị quân sự.

“Sự kỳ lạ của đợt tập trận này là dù chúng tôi đã dàn quân ở đây suốt 24 tiếng nhưng vẫn chưa biết chúng tôi sẽ di chuyển đến đâu và phải hoàn thành nhiệm vụ gì”, chỉ huy đội xe tăng Dmitry Manyukin nói với Đài Truyền hình Nga.

Theo các nhà phân tích, đây là dấu hiệu cho thấy các lãnh đạo quân đội Nga đang đưa ra nhiều lệnh mới trong đợt tập trận và thử nghiệm khả năng của quân lính trong việc phản ứng với chỉ thị mới.

Khi ra lệnh tập trận, Tổng thống Putin nói với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu rằng “cần đặc biệt chú ý tới tính cơ động của các đơn vị quân đội lớn”. Ông Putin có kế hoạch giám sát giai đoạn cuối cùng của đợt tập trận. Sau khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 11/2012, ông Shoigu không ngừng nỗ lực hiện đại hóa quân đội, nâng cao khả năng cơ động và phản ứng với các điểm nóng ở biên giới.

Tập trận hải quân với Trung Quốc

Trên Thái Bình Dương, Hải quân Nga vừa thực hiện một đợt tập trận hải quân lớn với Trung Quốc. Nga cử tàu tuần dương tên lửa dẫn đường và tàu ngầm hạt nhân, trong khi Trung Quốc phái đi 7 chiến hạm, trong đó có tàu khu trục tên lửa dẫn đường. “Đây là đợt triển khai lực lượng mạnh nhất của chúng tôi cho một cuộc tập trận hải quân”, tướng Yang Junfei, chỉ huy hạm đội Trung Quốc, cho biết.

Không ngừng phô diễn sức mạnh những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc buộc các đối thủ trên Thái Bình Dương, chủ yếu là Nhật Bản và Mỹ, phải chú ý tới đợt tập trận diễn ra tuần trước với việc đưa đội chiến hạm đi qua eo biển hẹp ngăn cách Nhật Bản và Nga, các nhà phân tích nhận xét.

Hải trình này khiến tàu Trung Quốc phải đi một vòng tốn kém quanh Nhật Bản, trong khi họ có thể chỉ cần đi qua biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Nhưng điều đó gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ của Trung Quốc rằng, Hải quân của họ vẫn rất thoải mái về mặt nhiên liệu khi thực hiện một hành trình xa bờ biển nước mình như vậy, các nhà quan sát quân sự nhận định.

Trong thời gian này, Nga đã triển khai gần như tất cả lực lượng vũ trang. Tàu chiến và tàu ngầm của Nga đã phối hợp với phía Trung Quốc trên các vùng biển đông Thái Bình Dương có nhiều tranh chấp. Xe tăng của Nga đã lăn qua vùng lãnh nguyên Siberia, trong khi các lực lượng đặc biệt đã hoàn thành bài tập chiếm lại một thị trấn. Theo nhiều nhà phân tích, thông điệp toát lên từ những hoạt động này dường như rất rõ ràng: Đừng có gây rối với gấu Nga!

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Nga - Mỹ tập trận tại Đức

Cuộc tập trận mang tên “Atlas Vision” dự kiến diễn ra tại thị trấn Auerbach của Đức từ ngày 18 tới 22/7.

Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, tướng Nikolai Makarov, khẳng định, mục đích của việc tập trận “Atlas Vision” là nhằm “hiện thực hóa việc hợp tác giữa các đơn vị quân đội” của Nga và Mỹ, cũng như “tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc”.

“Atlas Vision” diễn ra vào thời điểm quân đội Nga đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 12 ngày, trùng vào dịp nước Nga kỷ niệm 70 năm trận chiến Prokhorov - trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử thế giới, và là sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt của Thế chiến thứ 2.

Tùng Dương
Theo Voice of Russia

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG