Philippines chuyển căn cứ quân sự đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

Philippines chuyển căn cứ quân sự đối phó Trung Quốc trên Biển Đông
TPO - Philippines đang lên kế hoạch di chuyển căn cứ không quân và hải quân đến một căn cứ hải quân của Mỹ gần Biển Đông nhằm tăng áp lực đối với Trung Quốc.

> Nhật Bản tìm cách giảm căng thẳng với Trung Quốc
> Philippines 'tung chiêu' đấu Trung Quốc

Tăng áp lực cho Trung Quốc

Thông báo trên được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đưa ra hôm nay (30/7).

Hải quân Mỹ và Philippines trong đợt tập trận chung ở vùng biển tây Philippines
Hải quân Mỹ và Philippines trong đợt tập trận chung ở vùng biển tây Philippines . Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia, đây là động thái đối phó Trung Quốc mới nhất mà Philippines đưa ra. Sau khi được hỗ trợ, chính phủ Philippines sẽ chuyển lực lượng không quân và hải quân với nhiều máy bay chiến đấu và tàu chiến tới Vịnh Subic, thuộc thành phố Olongapo, phía tây bắc Manila.

“Đây là hoạt động nhằm bảo vệ bờ biển tây Philippines. Hiện chúng tôi đang chờ trợ cấp. Hoạt động này sẽ giúp kinh tế Olongapo phát triển mạnh hơn”, dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmi.

Thị trưởng thành phố Olongapo Rolen Paulino cho biết, động thái quân sự này là một hoạt động an ninh quốc gia, tờ Inquier (Philippnes) cho hay.

Các quan chức Philippines cũng đã hoan nghênh kế hoạch này của Bộ Quốc phòng trong việc nỗ lực phòng thủ trước động thái ngày càng leo thang của Trung Quốc.

Vịnh Subic là một cảng nước sâu tự nhiên, có sức chứa tới hai chiến hạm lớn mới mà Philippines mua từ Mỹ, một đồng minh quân sự của nước này.

Theo một nguồn tài liệu bí mật của chính phủ Philippines tiết lộ trên hãng tin AP, vị trí đắc địa của vịnh Subic sẽ giúp quân đội Philippines giảm thiểu thời gian triển khai máy bay chiến đấu trên Biển Đông, thậm chí nhanh hơn 3 lần so với việc xuất phát từ sân bay Clark, phía bắc Manila.

Cũng theo nguồn tài liệu này, việc tu sửa và cải tiến căn cứ không quân ở Subic sẽ mất khoảng 119 triệu USD, ít hơn so với việc xây dựng một căn cứ mới (mất khoảng 256 triệu USD).

Ngoài ra, việc di chuyển khoảng 250 nhân viên lực lượng không quân tới căn cứ Subic cùng với “sự hiện diện của các lực lượng quân đội nước ngoài” sẽ thúc đẩy việc kinh doanh và thương mại ở vùng bến cảng này, theo AP.

Theo nguồn tin, hải quân Philippines sẽ đón nhận con tàu thứ hai tại vịnh Subic vào đầu tháng 8 tới.

Đối phó với 'mối đe dọa hiện hữu'

Hồi tuần trước, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm tới ba nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Philippines và Singapore trong bối cảnh diễn ra cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc cả về kinh tế, quân sự và ngoại giao.

 Tàu khu trục của Mỹ USS Fitzgerald ở vịnh Subic hồi cuối tháng 6
Tàu khu trục của Mỹ USS Fitzgerald ở vịnh Subic hồi cuối tháng 6. Ảnh: Chinadaily

Trong chuyến thăm, Nhật Bản đã cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần dương để trang bị cho lực lượng tuần tra bờ biển của nước này. Đây là một phần trong chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Tokyo dành cho Manila.

Trên tạp chí Times trụ sở tại Washington, Mỹ viết rằng, trọng tâm chiến lược của Lâu Năm Góc tại khu vực Thái Bình Dương tập trung nhiều vào Philippines. Philippines là điểm dừng lý tưởng với căn cứ quân sự Guam, nơi bốn tàu của Mỹ đang neo đậu.

“Trước mối đe dọa hiện hữu từ Trung Quốc, tôi nghĩ rằng, điều quan tâm lớn nhất đối với các nước ở khu vực này đó là sự hiện diện của Mỹ”, truyền thông Mỹ dẫn lời ông Carl Baker, một chuyên gia quốc phòng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Theo Diplomat, Philippines đã ủng hộ những nỗ lực của Washington trong việc tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hiện nay, Philippines và Trung Quốc đang căng thẳng trong việc tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough (mà Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham),

Nhiều người lo ngại các cuộc xung đột về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, trong đó có các nước Brunei, Malaysia, Việt Nam… có thể dẫn đến một cuộc xung đột nghiêm trọng, đe dọa nền kinh tế đang phát triển của khu vực châu Á.

Nguyễn Thủy
Theo AP, Inquirer, Chinadaily

Theo Dịch
MỚI - NÓNG