Mỹ sẽ giải mật tài liệu, tòa án tình báo

Mỹ sẽ giải mật tài liệu, tòa án tình báo
TP - Các cơ quan tình báo của Mỹ trong tuần này sẽ giải mật các tài liệu về chương trình giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), cùng những tài liệu liên quan tòa án tình báo bí mật, một quan chức Mỹ cho biết hôm qua. Trong khi đó, Bradley Manning, người tiết lộ hàng trăm nghìn tài liệu mật của Mỹ cho WikiLeaks, đối mặt án tù 136 năm.

> Snowden và cuộc chiến cân não Mỹ -Nga
> 19 tổ chức kiện chính phủ Mỹ vì bị theo dõi

Chương trình giám sát của NSA bao phủ nhiều nước trên thế giới. Ảnh nhỏ: Binh nhất Bradley Manning (giữa) được dẫn giải ra khỏi Tòa án quân sự. Ảnh: AP - Getty Images
Chương trình giám sát của NSA bao phủ nhiều nước trên thế giới. Ảnh nhỏ: Binh nhất Bradley Manning (giữa) được dẫn giải ra khỏi Tòa án quân sự. Ảnh: AP - Getty Images.

Các tài liệu được giải mật nhằm cung cấp cho người dân thêm thông tin về những chương trình giám sát, đúng như Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper từng cam kết sẽ tăng cường minh bạch hóa một số vấn đề bí mật, Reuters ngày 31/7 dẫn lời một quan chức tình báo giấu tên. Các tài liệu này cũng chứa thông tin về Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA). Tòa án bí mật này là cơ quan đưa ra quyết định về các đề nghị giám sát từ Chính phủ.

Trong số tài liệu WikiLeaks bắt đầu tiết lộ từ năm 2010 có giấy tờ ghi lại tình trạng lạm dụng tù nhân Iraq, số dân thường bị thiệt mạng trong cuộc chiến ở đây và sự hỗ trợ yếu ớt của Mỹ cho Chính phủ Tunisia. Những người ủng hộ Manning cho rằng, những công bố này đã châm ngòi cho làn sóng nổi dậy vì dân chủ ở Trung Đông mà người ta thường gọi là Mùa xuân Ảrập.

Ngoài ra, một số quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, một văn bản do FISA ban hành hồi tháng 4 là để yêu cầu Công ty Viễn thông Verizon nộp cho Chính phủ lượng lớn dữ liệu về hoạt động nghe, gọi điện thoại của khách hàng. Các quan chức giấu tên cho biết, văn bản này sẽ được công bố trước phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp của Thượng viện mà trong đó, quan chức của NSA, Bộ Tư pháp và Văn phòng của Giám đốc An ninh Quốc gia phải giải trình.

Quyết định giải mật thông tin về các chương trình giám sát được đưa ra khi một số nhà làm luật Mỹ đang tìm biện pháp giải tỏa lo ngại về tình trạng vi phạm bí mật đời tư. Xưa nay, giới chức tình báo nói rằng, mục đích của các chương trình giám sát là phát hiện sớm những âm mưu tấn công khủng bố.

Edward Snowden, người tiết lộ chương trình bí mật nói trên, đã bị buộc tội theo Đạo luật Tình báo Mỹ và vẫn đang ở tại một sân bay của Nga.

136 năm tù cho Bradley Manning?

Trong khi đó, dù không bị buộc tội nặng nhất là trợ giúp tổ chức khủng bố al-Qaeda, binh nhất Bradley Manning vẫn phải đối mặt án tù lên tới 136 năm vì đã tiết lộ các bí mật của Chính phủ Mỹ cho trang WikiLeaks. Số phận của cựu phân tích gia tình báo này phụ thuộc vào vị thẩm phán của phiên tòa quân sự diễn ra vào hôm nay (theo giờ Việt Nam).

Manning bị cáo buộc 20 tội danh vì gửi hàng trăm nghìn tài liệu ngoại giao và của Chính phủ cho WikiLeaks. Tuy nhiên, anh này không bị buộc tội trợ giúp kẻ thù. Nếu bị phán mắc tội này, Manning sẽ phải ngồi tù suốt đời mà không được ân xá.

Thẩm phán phiên tòa không cho cả bên nguyên và bên bị trình chứng cứ trong phiên tòa về bất kỳ thiệt hại nào cho an ninh quốc gia và quân đội Mỹ tại Afghanistan và Iraq do hậu quả của vụ rò rỉ, nhưng các luật sư được phép trình chứng cứ vào lúc tuyên án.

Vụ rò rỉ hàng loạt bức điện tín ngoại giao, ghi chép ở vùng chiến và nhiều video khiến Chính phủ Mỹ và các đồng minh bẽ mặt. Quan chức Mỹ từng cảnh báo hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra vài ngày sau đợt rò rỉ đầu tiên vào tháng 7/2010, nhưng bản đánh giá của Lầu Năm Góc sau đó cho thấy những lo lắng này là thái quá.

Vụ việc thu hút sự chú ý của cả thế giới, và những người ủng hộ khen ngợi Manning là "người thổi còi", trong khi Chính phủ Mỹ coi anh lính này là một tin tặc vô lối và một kẻ phản bội chỉ để thu hút sự chú ý của nhiều người.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới cho rằng, bản cáo trạng là cảnh báo đáng sợ đối với những người thổi còi bị "chính quyền Mỹ tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có", và đe dọa tương lai của những nhà báo chuyên mảng điều tra khi các nguồn tin vì sợ mà phải im lặng.

"Đây là một tiền lệ nguy hiểm và là ví dụ của chủ nghĩa an ninh quốc gia cực đoan", nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange phát biểu với các nhà báo tại Đại sứ quán Ecuador tại London về bản cáo trạng chống lại Manning. Assange đang tỵ nạn tại Đại sứ quán này để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển, nơi ông phải đối mặt nhiều cáo buộc liên quan tình dục.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG