Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết về tranh chấp biển

Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết về tranh chấp biển
TP - Thượng viện Mỹ vừa nhất trí thông qua Nghị quyết 167, trong đó nêu quan ngại về hàng loạt hành động của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và biển đảo ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông.

> Trung Quốc trỗi dậy, Triều Tiên tham vọng, Mỹ-Nhật-Phi giương cờ xoay trục

Nghị quyết 167 (do các Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Marco Antonio Rubio và Ben Cardin soạn thảo) cũng thúc giục các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông soạn thảo, thông qua bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh xung đột. Thượng nghị sĩ Menendez hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, còn ông Rubio được coi là ứng viên tiềm năng cho cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống năm 2016. “Các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày nay không phải vấn đề của quá khứ mà ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của khu vực sẽ trở thành trung tâm của phát triển kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21”, ông Menendez nói trong một thông báo. Ông nói: “Với lịch sử lâu dài quan hệ với khu vực, Mỹ có lợi ích tất yếu khi làm việc với tất cả các quốc gia trong việc phát triển, thể chế hóa và duy trì một nền trật tự dựa trên quy tắc cho khu vực. Điều đó bắt đầu với việc đưa vào sử dụng các cơ chế hiệu quả nhằm quản lý tranh chấp biển đảo làm rối loạn trật tự của khu vực, đồng thời hỗ trợ và khuyến khích một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương”.

Nghị quyết 167 đề cập nhiều vụ việc nguy hiểm liên quan hành động của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, như việc các tàu của Trung Quốc chặn lối vào bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hồi tháng 4/2012; Trung Quốc ban hành bản đồ chính thức trong đó coi “đường 9 đoạn” là lãnh thổ nước này. Nghị quyết cũng trích lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2012 bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc nâng cấp hành chính ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” và lập đơn vị đồn trú tại đó. Ngày 23/4, tám tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải 12 hải lý của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến tình hình căng thẳng trong khu vực leo thang.

Nghị quyết thúc giục các bên trong khu vực có tranh chấp nên tự kiềm chế, không để có hành động khiến căng thẳng leo thang. Nhấn mạnh lợi ích của Mỹ trong việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và không lưu tại châu Á - Thái Bình Dương, nghị quyết thúc giục các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông. Văn bản này còn ủng hộ quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước trong khu vực để duy trì hòa bình.

Ngày 1/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Nghị quyết 167 đã không lưu tâm tới vấn đề lịch sử và thực tế, đã lên án Trung Quốc một cách vô lý.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa họp với Bộ Chính trị nước này, nhấn mạnh các nỗ lực biến Trung Quốc thành cường quốc biển, biến các ngành công nghiệp liên quan biển và đại dương trở thành một trụ cột của nền kinh tế. Ông Tập cũng nói rằng, Trung Quốc sẽ không từ bỏ các lợi ích cốt lõi, chuẩn bị đối phó các tình huống phức tạp, nâng cao năng lực phòng thủ, chấp pháp trên biển…

Trúc Quỳnh
theo ABS-CBN News, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG