Triều Tiên có 3.000 chiến binh CNTT

Triều Tiên có 3.000 chiến binh CNTT
TP - CHDCND Triều Tiên đã thành lập đội 3.000 chiến binh trên chiến trường ảo, báo Telegraph (Anh) trích nguồn chuyên gia Hàn Quốc cho biết. Đội quân này gồm 200 nhân viên chuyên làm nhiệm vụ đăng các bình luận chống Hàn Quốc.

> Hé lộ smartphone do Triều Tiên sản xuất
> Liên Hợp Quốc viện trợ lương thực cho 38.000 dân Triều Tiên

Sinh viên Triều Tiên lướt mạng trong phòng internet tại Đại học Kim Nhật Thành. Ảnh: David Guttenfelder
Sinh viên Triều Tiên lướt mạng trong phòng internet tại Đại học Kim Nhật Thành. Ảnh: David Guttenfelder .

Họ bị cáo buộc đánh cắp danh tính của người dùng internet Hàn Quốc và đăng các bình luận theo các danh tính này. Theo Telegraph, những chiến binh này cũng làm nhiệm vụ tuyên truyền sau khi đột nhập các trang web của Hàn Quốc và kết nối với những website có nội dung ca ngợi Bình Nhưỡng.

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, Triều Tiên phát tán các thông điệp tuyên truyền trên 140 trang web có máy chủ đặt tại 19 quốc gia. “Triều Tiên đã thành lập nhóm hacker tại Bộ Mặt trận thống nhất và Tổng cục Trinh sát”, báo Chosun của Hàn Quốc trích lời ông Ryu Dong-ryul ở Viện Chính sách Công an.

Theo viện này, năm ngoái, đội công nghệ thông tin (CNTT) của Triều Tiên đăng 41.373 thông điệp chống Hàn Quốc, cao hơn nhiều so với con số 27.090 trong năm 2011.

PGS Andrei Lankov ở Đại học Kookmin ở Seoul, chuyên gia nghiên cứu về Bình Nhưỡng, cho rằng, nhiệm vụ của các chiến binh CNTT Triều Tiên không phải là tìm cách phá hoại hệ thống của Hàn Quốc.

“Họ chỉ muốn tạo thêm sức mạnh cho chính quyền bằng cách đưa ra nhiều quan điểm tích cực về Triều Tiên. Họ cũng hy vọng duy trì một nhóm cán bộ cốt lõi trung thành mà họ tin rằng có thể trở thành lực lượng chính trị quan trọng tại một số thời điểm trong tương lai xa”, PGS Lankov nhận xét.

Theo học giả này, các chiến dịch trên internet của Triều Tiên thường bị người dân Hàn Quốc bác bỏ, “nhưng một số tin đồn có thể xuất phát từ người Triều Tiên cũng được những người theo đường lối cánh tả tin. Ví dụ, những câu chuyện nói rằng tàu Cheonan không phải bị Triều Tiên đánh chìm, và toàn bộ câu chuyện này chỉ là sự thêu dệt của chính phủ Hàn Quốc”.

Triều Tiên đào tạo các chuyên gia CNTT tại một số trường học đặc biệt ở thủ đô Bình Nhưỡng. Một số cá nhân xuất sắc được lựa chọn để đào tạo suốt 10 năm tại Đại học quân sự Kim Nhật Thành và một số trường cao cấp khác.

Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ khi ký hiệp định ngừng bắn năm 1953. Hàn Quốc kết tội Triều Tiên thực hiện hàng loạt cuộc tấn công ảo trong lễ kỷ niệm ngừng chiến vào ngày 25/6 vừa qua.

Thời gian đó, 69 trang web của các cơ quan chính phủ Hàn Quốc, viện nghiên cứu và tòa soạn báo của Hàn Quốc bị đánh sập. Dữ liệu cá nhân của 2,5 triệu đảng viên và 300.000 quân nhân cùng 200.000 người sử dụng trang web của Tổng thống Hàn Quốc bị đánh cắp, theo báo Korea Herald. Hồi tháng 3, hai ngân hàng lớn của Hàn Quốc là Nonghup và Shinhan đổ lỗi cho phần mềm Triều Tiên đã làm hỏng hệ thống dịch vụ của họ.

Năm nay, Hàn Quốc dành 215 triệu USD tiền ngân sách cho các hoạt động bảo vệ an toàn thông tin, theo Cơ quan Xã hội Thông tin Quốc gia của nước này.

Triều Tiên ngày 13/8 thông báo nước này đã tự sản xuất được điện thoại thông minh đầu tiên, đặt tên là Arirang (tên bài dân ca nổi tiếng của Triều Tiên). Mạng điện thoại di động của Triều Tiên hoạt động từ năm 2008, nhưng hoạt động hạn chế và bị giám sát chặt chẽ, BBC đưa tin.

Ông Martyn Williams, chuyên gia về công nghệ Triều Tiên, cho rằng, điện thoại Arirang có thể được một công ty Trung Quốc sản xuất theo đơn đặt hàng rồi vận chuyển tới Nhà máy 11 tháng 5 của Triều Tiên. Năm ngoái, Triều Tiên xuất xưởng máy tính bảng, nhưng ông Williams phát hiện mã nguồn phần mềm của loại máy tính này liên quan một nhà sản xuất ở Hong Kong.

Bình Giang
Theo Telegraph, Chosun, Korea Herald, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.