Ấn Độ tăng cường 'Hướng biển'

Ấn Độ tăng cường 'Hướng biển'
TP - Trước biến động dữ dội về địa-kinh tế-chính trị toàn cầu, đặc biệt là tham vọng dịch chuyển tầm ảnh hưởng của Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với đó là sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc (TQ), phương châm ngoại giao ưu tiên phát triển tam giác chiến lược Nga-Trung-Ấn dường như không còn phù hợp, thay vào đó học thuyết “Hàng hải châu Á” với xu thế hướng vào thương mại trên biển.

> Ấn Độ vật lộn với đội tàu ngầm 'hưu trí'
> Cháy nổ tàu ngầm Ấn Độ, 18 người chết

Ấn Độ không phải ngoại lệ khi có đến 95% tổng giao dịch hàng hóa, 75% giá trị trao đổi thương mại bên ngoài cùng hơn 70% nguồn nhập khẩu dầu mỏ thực hiện qua đường biển.

Để bảo vệ lợi ích, Ấn Độ tham vọng thiết lập hải quân mạnh cả về khả năng vươn xa, vươn rộng và bền vững. Có lực lượng hải quân lớn thứ 5 thế giới, nhưng nước này vẫn ấp ủ kế hoạch 160 tàu, trong đó có 3 tàu sân bay vào năm 2022.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, năm tài khóa 2012-2013, Ấn Độ vượt TQ trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 2007-2011, Ấn Độ bỏ ra 12,7 tỷ USD mua vũ khí nước ngoài, chiếm 10% tổng lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu; thời kỳ 2011-2015, ước tính, nước này chi 100 tỷ USD cho chương trình mua sắm quốc phòng.

Thuyết “Mối đe dọa TQ” cũng là nguyên nhân khiến Ấn Độ thực thi mạnh mẽ chính sách “Hướng biển”. Thái độ của chính khách New Dehli đối với Bắc Kinh không còn dừng lại ở sự “cảnh giác” mà ngày càng thể hiện tính tấn công. Điều này đồng nghĩa với đòi hỏi kỹ thuật cùng nguồn cung vũ khí đổ về Ấn Độ ngày càng lớn, và đối tác Nga truyền thống là chưa đủ.

Thậm chí, vũ khí Nga bắt đầu lạc bước ở quốc gia Nam Á này. Các chuyên gia quân sự nhận định, Nga đang mất dần thị phần cung cấp vũ khí tại Ấn Độ, từ “kiểm soát” 75% thị trường như hiện nay sẽ nhanh chóng giảm xuống 50% trong tương lai gần. Điều này thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ hợp tác quân sự Ấn Độ-Mỹ.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, năm tài khóa 2011- 2012, Ấn Độ là khách hàng nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba của Mỹ với các hợp đồng trị giá 4,5 tỷ USD. Trong chuyến thăm tới New Dehli hồi tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tái khẳng định lập trường của Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh Mỹ nỗ lực thúc đẩy tiến trình này.

Trong hợp tác quân sự giữa các nước lớn, nhân tố chính trị có vai trò quan trọng hơn nhiều so với bản thân nhu cầu thị trường. Hợp tác quân sự chưa từng có trong lịch sử giữa Mỹ-Ấn Độ xuất phát từ nhu cầu về địa-chính trị trong thực tế, chứ không hoàn toàn do tính năng, giá cả vũ khí quyết định.

Với Ấn Độ, quan hệ Ấn-Trung diễn biến ngày càng căng thẳng, nhất là ở biển Đông - nơi học thuyết “Liên châu” của TQ đụng đầu chính sách “Hướng biển” của Ấn Độ vốn trù định sự xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. New Dehli muốn thông qua các hợp đồng nhập khẩu vũ khí từ Washington nhằm củng cố quan hệ đối tác quân sự với Mỹ, từ đó ngăn chặn TQ.

Với Mỹ, gia tăng mâu thuẫn Ấn-Trung có lợi cho Mỹ, khi Washington xác định New Dehli là nhân tố có vai trò lớn trong chính sách “tái cân bằng châu Á”. Các hợp đồng chuyển nhượng vũ khí của Washington cho New Dehli trước hết là nhằm bao vây TQ, điểm này là cùng chí hướng với Ấn Độ.

Ngoài ra, chuyển nhượng vũ khí giúp hợp tác quân sự hai nước thêm thắt chặt. Khác với tham vọng của TQ, mong muốn giành vị thế một đại cường hải quân của Ấn Độ ít thu hút sự chú ý của thế giới. Tuy nhiên, tương lai chính trị thế giới, an ninh và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại phụ thuộc đáng kể vào Ấn Độ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG