3 kịch bản Mỹ, phương Tây tấn công Syria

3 kịch bản Mỹ, phương Tây tấn công Syria
TPO - Sau những tuyên bố cứng rắn chưa có tiền lệ của các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây, có vẻ việc Syria bị tấn công quân sự là điều không không tránh khỏi.

3 kịch bản Mỹ, phương Tây tấn công Syria

> Mỹ tấn công Syria, Trung Quốc đứng nhìn?
> Ai sát cánh Syria nếu bị Mỹ tấn công?

TPO - Sau những tuyên bố cứng rắn chưa có tiền lệ của các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây, có vẻ việc Syria bị tấn công quân sự là điều không không tránh khỏi.

Trên cơ sở những đánh giá của các chuyên gia, tờ Kommersant (Nga) đã đưa ra 3 kịch bản chính dự kiến sự phát triển của tình hình chiến cuộc Syria.

3 kịch bản Mỹ, phương Tây tấn công Syria ảnh 1

Kommersant kết luận đòn tiến công quân sự vào Syria đã trở thành điều tất yếu sau phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố Washington có thông tin không thể bác bỏ về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Ông Kerry thông báo tổng thống Obama nhấn mạnh những ai sử dụng loại vũ khí ghê tởm nhất trên thế giới chống lại những người dân dễ bị tổn thương nhất sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhà Trắng trong những ngày gần nhất sẽ quyết định biện pháp đáp trả và vấn đề sẽ được giải quyết bằng vũ lực.

Kịch bản thứ nhất mà nhiều nhà phân tích được tờ báo thăm dò cho rằng có thể  xảy ra là những đòn tiến công hạn chế ở một mức độ nào đó. Trong vòng 1-2 ngày, tên lửa hành trình từ các khu trục hạm và tàu ngầm sẽ tiêu diệt những mục tiêu quân sự và chính quyền then chốt của Syria như Bộ quốc phòng, bộ tổng tham mưu, dinh tổng thống, các căn cứ quân sự, sân bay, địa điểm bố trí các phân đội có khả năng chiến đấu cao nhất. Nhưng hành động này sẽ không kéo dài và kết thúc một cách hợp lý. Mục đích của Mỹ trong trường hợp này là gửi tới Damascus tín hiệu răn đe: Nếu tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa sẽ phải  đón nhận  những hành động trừng phạt mới nghiêm khắc hơn.

Những người ủng hộ giả thuyết này dựa trên sự thận trọng của ông Barack Obama, không muốn can dự vào một cuộc chiến tranh mới ở khu vực Trung Đông. Để trấn an những người chỉ trích mình tại quốc hội và các đồng minh Tây Âu đang đòi hỏi những bước đi quyết liệt, tổng thống Mỹ phê chuẩn việc sử dụng vũ lực chống chính quyền của ông Bashar Assad. Nhưng chưa chắc hành động này tạo ra được ảnh hưởng đáng kể tới diễn biến tiếp theo của các hoạt động tác chiến.

Kịch bản 1 sẽ giống đợt oanh kích Iraq 4 ngày năm 1988 theo lệnh của tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton. Những trận oanh kích đó tạo ra được hiệu ứng tâm lý nhất định, nhưng không gây được thiệt hại đáng kể cho chế độ Saddam Husein. Các nhà phân tích thường so sánh ông Obama với ông Clinton khi nói tới chính sách đối ngoại. Trong khi đó ông chủ Nhà Trắng hiện nay hoàn toàn xa lạ với tính cách kiên quyết của tổng thống George Bush con. Xuất phát từ điều này, phần lớn các chuyên gia loại trừ phương án sử dụng lục quân Mỹ như ở Iraq và Afghanistan.

Với kịch bản thứ 2, Washington sẽ huy động một số đồng minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và các vương quốc vùng Vịnh, đặc biệt là Qatar và Arabia Saudi. Phương án này dự kiến một cuộc chiến tranh đường không với các cuộc oanh kích kéo dài hơn. Tiền lệ gần nhất là chiến dịch Libya năm 2011, khi không quân các nước NATO trên thực tế thực hành chi viện từ trên không cho các đội quân phe đối lập chiến đấu với Muammar Gaddafi.

3 kịch bản Mỹ, phương Tây tấn công Syria ảnh 2

Trong trường hợp ở Libya, Mỹ lần đầu tiên đóng vai trò bổ trợ chứ không chủ sự, mà nhường vai trò cho Pháp và Anh thể hiện rõ nét hơn. Nhưng tại Syria, sự phân bố lực lượng như thế không chắc đã hợp lý.  Ông Assad có trong tay hệ thống phòng không mạnh và đáng gờm hơn nhiều mà Gaddafi trước đây không thể nào sánh được. Chọc thủng được hệ thống này nếu không có sự trợ giúp Mỹ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đối với Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu kịch bản này được thực hiện, nghĩa là về thực chất phương Tây sẽ can dự vào cuộc nội chiến ở Syria đứng về phía các lực lượng đối lập. Và mục tiêu chính của chiến dịch trong trường hợp này sẽ là lật đổ chế độ của tống thống Assad. Tương tự như ở Libya, phương Tây sẽ chi viện cho lực lượng đối lập bằng không quân cho tới khi họ chiếm được thủ đô và đè bẹp các ổ đề kháng có tổ chức cuối cùng của quân đội chính phủ. Không loại trừ trường hợp những đơn vị đặc nhiệm của các nước chống Damascus quyết liệt nhất trong khu vực như Qatar hoặc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bí mật tham gia vào các hoạt động quan trọng.

Và cuối cùng là kịch bản thứ 3 sẽ được thực hiện với mức độ vừa phải, chia thành các giai đoạn. Trong một khoảng thời gian nào đó, Mỹ sẽ tiến hành các đợt ném bom và tiến công bằng tên lửa hành trình với mục tiêu làm suy yếu tiềm lực quân sự Syria, sau đó lui vào hậu trường thực hiện những chức năng hỗ trợ là chính. Trên 'sân khấu' sẽ xuất hiện các nước đang muốn lật đổ chính quyền ông Assad trong khu vực, trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng quân sự mạnh nhất.

Lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các căn cứ ở Incirlik, Konya, Malatya và Diyarbakir có thể bảo đảm chi viện từ trên không cho phe đối lập Syria trên những khu vực quan trọng của mặt trận. Không loại trừ  lục quân Thổ sự tham gia vào một số  hoạt động nhất định. Không quân và các đơn vị đặc nhiệm của các nước vùng Vịnh tham gia liên minh chống ông Assad như Qatar, Arabia Saudi, UAE cũng có thể đóng vai trò tương tự. Sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp trong giai đoạn này có lẽ chỉ mang tính tượng trưng. Một số phi đội được điều chuyển tới các căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ hoặc cất cánh từ các tàu sân bay Mỹ ở Địa Trung Hải.

Tàu sân bay Truman của Mỹ ở Địa Trung Hải đã sẵn sàng tham chiến
Tàu sân bay Truman của Mỹ ở Địa Trung Hải đã sẵn sàng tham chiến.

Về phương diện chính sách đối ngoại, chiến dịch mà phương Tây dự kiến tiến hành ở Syria tương tự như chiến dịch chống Nam Tư năm 1999 và chiến tranh Iraq năm 2003. Trong cả 2 trường hợp, quyết định bắt đầu hành động quân sự được đơn phương thực hiện mà không có sự chuẩn y của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, nơi Moscow và Bắc Kinh có quyền phủ quyết.

Kịch bản nào sẽ được thực hiện? Theo thông tin của các phương tiện truyền thông Mỹ, điều này phụ thuộc 3 yếu tố: báo cáo cuối cùng của mật vụ Mỹ về sự can dự của chế độ Assad trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học; các cuộc tham vấn đồng minh và Quốc hội và cuối cùng là lựa chọn được phương án nào có vẻ phù hợp với luật pháp quốc tế hơn.

Các nỗ lực chủ yếu của Mỹ trong những ngày vừa qua tập trung vào việc thành lập liên minh quốc tế. Điều này cho thấy có lẽ đây sẽ không phải là một chiến dịch của toàn thể khối NATO. Theo lời một nguồn tin ngoại giao cao cấp của báo Kommersant,  tại một trong những quốc gia chủ đạo của NATO, trong số các nước thành viên của liên minh thì Mỹ, Anh và Pháp đang tích cực hành động. Tuy nhiên vẫn có không ít quốc gia không ủng hộ cuộc tiến công Syria vì cho rằng kết luận của Washington về vụ tập kích hóa học là “quá sớm”.

Đỗ Ngọc Inh
Theo “Kommersant, Nga

Theo Dịch
MỚI - NÓNG