Lùng nhùng bài toán Syria

Lùng nhùng bài toán Syria
TP - Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama không có triển vọng thắng cuộc tranh cãi tại Quốc hội về kế hoạch tấn công Syria thì Nga đề xuất một lối thoát. Sáng kiến của Nga không có nghĩa là cuộc khủng hoảng Syria đã được giải quyết.

> Nga duy trì 10 tàu chiến gần Syria
> Cận cảnh vũ khí tự chế của phe nổi dậy Syria

Rõ ràng Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẵn lòng làm mọi thứ để tại vị, mà vẫn có thể trấn áp lực lượng đối lập trong nước. Trong cuộc bầu cử tổng thống ở Syria vào giữa năm sau, ông Assad rất có thể vẫn là tổng thống hợp pháp của nước này.

Việc ông Obama theo đuổi giải pháp ngoại giao hiện nay gây ra ít phản ứng nhất từ dư luận trong và ngoài nước. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh kế hoạch tấn công Syria là vì tình trạng sử dụng vũ khí hóa học, chứ không phải nhằm thay đổi chế độ - điểm mấu chốt mà nhà lãnh đạo Syria có lẽ đã lắng nghe rất kỹ bài phát biểu của ông Obama trên truyền hình mới đây.

Tuy nhiên, mọi lời lẽ hay sáng kiến ngoại giao đều không thể che giấu sự thật rằng, cuộc khủng hoảng Syria chưa chấm dứt. Mỹ có vẻ đang mất mặt, và cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông có thể sẽ ám ảnh ông Obama đến hết nhiệm kỳ.

Diễn biến mới nhất về cuộc khủng hoảng này là bài học cho chính quyền Obama về cách đối phó chính quyền Assad. Có thể chiến lược của Syria là để các thanh sát viên Liên Hợp Quốc vào kiểm tra vụ tấn công vũ khí hóa học hôm 21/8, sau đó, ông Assad nhượng bộ bằng cách lần đầu tiên thừa nhận sở hữu vũ khí hóa học và mở ra khả năng đặt số vũ khí đó dưới quyền kiểm soát quốc tế.

Trong vài ngày tới sẽ là cuộc đấu tranh giữa một bên muốn hành động hữu hiệu từ Liên Hợp Quốc với một bên muốn tiếp tục tìm kiếm chiến lược ngoại giao để giúp chính quyền Assad.

Dù có thỏa thuận được với chính quyền Assad về kho vũ khí hóa học hay không thì Mỹ vẫn chưa đạt được tiến bộ nào trong việc ngăn chặn tình trạng dân thường Syria bị giết hại và sự cực đoan hóa trong các lực lượng đối lập.

Một giải pháp chính trị không nằm ở thương lượng giữa các cường quốc của thế giới mà liên quan số đông người Syria đã quá sợ hãi với việc mạo hiểm đứng về phe nào. Số đông yên lặng này phải là yếu tố chủ yếu cho sự chuyển đổi chính trị do người Syria đứng đầu, và họ chưa nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế.

Cả thế giới Ảrập đang theo dõi sát sao cách ông Obama đối phó cuộc khủng hoảng này như thế nào. Những nhà lãnh đạo Ảrập thân Mỹ ngày càng lo lắng. Họ vẫn chưa được tham vấn đúng mức về sự phức tạp trong chính sách ngoại giao của Mỹ, và băn khoăn rằng liệu họ có thể dựa vào Washington hay không trong vấn đề xử lý khủng hoảng Syria.

Ngày 13/9 tại Geneva, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov nhất trí thúc đẩy hội nghị quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria đang chia rẽ Trung Đông và các cường quốc trên thế giới. Hai ngoại trưởng dự định gặp lại nhau vào ngày 28/9 tại New York.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ bác bỏ đề nghị của chính quyền Assad về giới hạn 30 ngày để cung cấp dữ liệu vũ khí hóa học - một phần trong nỗ lực gia nhập Hiệp ước cấm vũ khí hóa học. Theo báo chí Mỹ, Syria đang phân tán kho vũ khí hóa học của mình tới khoảng 50 địa điểm, để Mỹ khó truy tìm.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga nói Mátxcơva muốn Washington ngừng đe dọa quân sự, nên đi theo con đường hòa bình để tiến tới giải pháp cho khủng hoảng Syria.

Không thể loại trừ khả năng ông Obama phát lệnh tấn công Syria trong những ngày tới, đe dọa an ninh và lợi ích của Nga, Mátxcơva đang tăng cường sự hiện diện của đội tàu chiến ở Địa Trung Hải.

Ngày 13/9, Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov, thông báo Nga sẽ tăng số tàu chiến có mặt ở khu vực này từ 7 lên 10 chiếc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG