Báo cáo LHQ về thảm sát Syria: Mỹ, Nga đấu khẩu

Báo cáo LHQ về thảm sát Syria: Mỹ, Nga đấu khẩu
TP - Báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 ở ngoại ô thủ đô Damascus không kết luận chính phủ Syria hay lực lượng đối lập là thủ phạm. Phương Tây vin vào chi tiết trong báo cáo để đổ lỗi cho chính quyền Syria, còn Nga cảnh báo không được kết luận vội vàng.

> Chiến hạm thứ 11 của Nga áp sát Syria
> Liên Hợp Quốc khẳng định Syria sử dụng vũ khí hóa học

Hai đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công bằng khí độc hôm 21/8 đang phải thở oxy. Ảnh: Business Insider
Hai đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công bằng khí độc hôm 21/8 đang phải thở oxy. Ảnh: Business Insider.

Báo cáo của các thanh sát viên LHQ (được trình lên Hội đồng Bảo an LHQ vào sáng qua) chỉ ra “bằng chứng rõ ràng và thuyết phục” rằng tên lửa chứa khí độc thần kinh sarin đã được sử dụng ở vùng ngoại ô Ghouta của Damascus.

Khí độc được dùng chuyên nghiệp

Nhóm thanh tra tập hợp báo cáo từ nhiều nguồn, trong đó có các tên lửa đất đối đất “có khả năng mang theo lượng hóa chất đáng kể” cùng với lời tường thuật của hơn 50 nạn nhân và chuyên gia y tế. Bằng chứng về sarin được phát hiện ở phần lớn mẫu máu, nước tiểu và tóc mà nhóm chuyên gia thu thập được.

Báo cáo nói rằng, tác động của khí độc được tăng cường bởi thời tiết sáng 21/8, vì trời lạnh khiến không khí bị nén xuống và giết hại nhiều người trong lúc họ đang ngủ.

Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc hôm qua nói rằng, nước này vừa bắn rơi một máy bay trực thăng của Syria vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Tạp chí Mỹ Foreign Policy trích lời ông Ralf Trapp, chuyên gia độc lập về vũ khí hóa sinh, nói rằng, dữ liệu trong báo cáo (loại tên lửa được thiết kế để vận chuyển chất lỏng và dấu vết sarin còn trong lên lửa), lượng tên lửa được bắn ra, và cách sử dụng vũ khí (lúc điều kiện khí quyển ổn định để tối đa hóa tác động của vụ tấn công) cho thấy “loại vũ khí này thuộc về một chương trình quân sự, được sử dụng bởi các đơn vị hiểu và được đào tạo về chiến tranh hóa học”.

Theo chuyên gia này, nếu nhóm đối lập nào đó là thủ phạm thì cần có các điều kiện sau: Họ muốn tiêu diệt đông người trên khu vực do quân đối lập kiểm soát; có thể tiếp cận kho vũ khí hóa học của quân đội Syria; đã được đào tạo về cách thức và thời điểm dùng vũ khí hóa học để tối ưu hóa hiệu quả. Ông Trapp cho rằng, quân nổi dậy khó có thể đáp ứng những điều kiện này.

“Các nhóm đối lập ở Syria có thể nã đạn súng cối ở chỗ này chỗ khác. Nhưng họ không có khả năng thực hiện tấn công gián tiếp bằng tên lửa trên diện rộng”, Foreign Policy trích lời ông Chris Harmer, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ), nhận định.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng, quỹ đạo tên lửa phóng vào các mục tiêu ở Moadamiyah và Ayn Terma cho thấy, chúng xuất phát từ các địa điểm của quân chính phủ ở phía bắc và phía tây.

Trong khi đó, Nga không đồng ý với kết luận này. Phái viên của Mátxcơva tại LHQ Vitaly Churkin nói Nga “lên án mạnh mẽ” việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng cảnh báo các nước không nên “kết luận vội vàng”.

Ông Churkin trách móc vài đồng nghiệp nước ngoài “đã kết luận vội vàng rằng, báo cáo của LHQ rõ ràng chứng minh lực lượng chính phủ đã dùng vũ khí hóa học”.

Ông Churkin cũng bác bỏ những câu hỏi về kết luận của nhóm thanh sát viên rằng, một số đạn pháo bị sử dụng trong vụ tấn công có khắc chữ Cyrillic, có thể là dấu hiệu cho thấy chúng được sản xuất ở Nga. Đại diện của Nga nói LHQ cần có chuyên gia về vũ khí hóa học để kiểm tra điều này. Đại sứ của Syria tại LHQ chưa bình luận gì về báo cáo.

Tội ác chiến tranh của thế kỷ

Các nước phương Tây nhanh chóng bám vào những chi tiết trong báo cáo để đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

“Báo cáo củng cố thêm đánh giá của chúng tôi rằng, các cuộc tấn công do chính quyền Syria thực hiện, vì chỉ có họ mới có khả năng thực hiện một cuộc tấn công theo cách thức như vậy”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice hôm qua tuyên bố trong một thông báo.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói bằng chứng do các thanh sát viên LHQ đưa ra, trong đó có cả “quỹ đạo của tên lửa mang theo khí sarin”, cho thấy không còn nghi ngờ gì rằng chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm.

“Khi nhìn vào bằng chứng thực tế, lượng khí độc, sự phức tạp của hỗn hợp hóa học, quỹ đạo của tên lửa, hoàn toàn không còn nghi ngờ gì về nguồn gốc của vụ tấn công”, ông Fabius nói trên kênh radio Pháp RTL.

Mỹ, Anh và Pháp hôm qua cảnh báo ông Assad sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu không chuyển giao kho vũ khí hóa học cho quốc tế kiểm soát. Đại diện Mỹ khẳng định Mỹ sẵn sàng hành động nếu nỗ lực ngoại giao thất bại.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: “Đây là tội ác chiến tranh và vi phạm nghiêm trọng Nghị định thư 1925 và một số nguyên tắc khác của luật quốc tế.

Đây là vụ dùng vũ khí hóa học chống lại dân thường nghiêm trọng nhất kể từ khi Saddam Hussein sử dụng ở Halabja năm 1988 và là vụ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt tồi tệ nhất trong thế kỷ 21. Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm bảo đảm vũ khí hóa học sẽ không bao giờ còn bị sử dụng như một công cụ chiến tranh”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói đây có thể là thời điểm thích hợp để tính đến việc buộc lực lượng đối lập Syria tham gia hội nghị hòa bình quốc tế, thay vì thúc giục họ. Tuy nhiên, phe nổi dậy nói họ sẽ không tham gia nếu hội nghị có mặt Tổng thống Assad.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.