Giáo hoàng có thể bị mafia trả thù

Giáo hoàng có thể bị mafia trả thù
TP - Nỗ lực của Giáo hoàng Francis trong đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ Giáo hội có thể khiến ông gặp nguy hiểm từ các băng đảng mafia Ý, một công tố viên hàng đầu vừa cảnh báo.

> Giáo hoàng kêu gọi hòa bình
> Giáo hoàng Francis rửa chân và hôn tù nhân

Giáo hoàng Francis có thể gặp nguy vì nỗ lực làm trong sạch Giáo hội. Tranh: Huffington Post
Giáo hoàng Francis có thể gặp nguy vì nỗ lực làm trong sạch Giáo hội. Tranh: Huffington Post.

Công tố viên Nicola Gratteri, người sống trong sự bảo vệ của cảnh sát gần 25 năm nay, nói rằng, nỗ lực quét sạch tham nhũng và thiên vị trong Giáo hội của Giáo hoàng Francis có nguy cơ bị những tổ chức tội phạm cực kỳ thế lực ở Ý trả thù vì động đến quyền lợi của họ.

“Những kẻ lâu nay hưởng lợi từ quyền lực và của cải xuất phát từ Giáo hội giờ đang lo âu. Giáo hoàng đang dỡ bỏ các trung tâm quyền lực kinh tế tại Vatican”, ông Gratteri, 55 tuổi, người kiên trì đấu tranh chống lại tổ chức tội phạm ‘Ndrangheta tại miền nam nước Ý, nói.

“Tôi không rõ bọn tội phạm có tổ chức sẽ làm gì, nhưng chắc chắn là chúng đang suy tính điều đó. Tình hình có thể rất nguy hiểm. Nếu những bố già có thể quật ngã Giáo hoàng, chúng sẽ không do dự đâu”, ông Gratteri nói với nhật báo Ý Il Fatto Quotidiano. Đầu năm nay, ông được Thủ tướng Ý đưa vào nhóm đặc trách có nhiệm vụ tìm cách dẹp bỏ tội phạm có tổ chức.

"Ndrangheta ở Calabria (miền nam nước Ý) được các chuyên gia cho là băng đảng mafia nguy hiểm nhất và khó thâm nhập ở nước này. Chúng kiểm soát mạng lưới buôn bán cocain ở châu Âu. Những năm gần đây, tổ chức này di chuyển lên các vùng phía bắc giàu có hơn của Ý để rửa tiền kiếm từ buôn ma túy.

Theo ông Gratteri, nhiều năm qua, mafia rửa tiền và đầu tư, hưởng lợi từ sự đồng lõa của một số phần tử tha hóa trong Giáo hội. Ông Graterri nêu ví dụ giám mục xứ Reggio Calabria ở miền nam từ chối chỉ trích một bố già ngay cả khi kẻ này bị Tòa án Tối cao kết tội, và con gái một ông trùm mafia được tổ chức lễ cưới trong nhà thờ của thành phố.

“Cô ta nhận được lời chúc phúc của cha xứ. Và còn có một số linh mục đến nhà của trùm mafia uống cà phê. Như vậy không khác gì tiếp thêm cho chúng sức mạnh và suy nghĩ rằng những hành động của chúng là hợp pháp, ngay cả khi chúng vẫn tiếp tục giết người và buôn bán cocain”, ông Gratteri kể.

Dù tàn bạo và khinh thường pháp luật, đa số băng đảng mafia vẫn tự coi mình là người Công giáo. “Chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát trong các nhà tù và thấy rằng 88% những kẻ thuộc băng đảng mafia nói rằng, chúng là con chiên. Một tay súng thuộc ‘Ndrangheta nói rằng, anh ta đều cầu nguyện trước khi bắn chết bất kỳ ai”, ông Gratteri cho biết.

Lên án 4 băng đảng

Những cáo buộc về sự thông đồng giữa tội phạm có tổ chức và các nhân vật trong hệ thống Giáo hội xuất hiện từ đầu những năm 1980, khi Roberto Calvi, người có biệt danh “ngân hàng của Chúa” vì có quan hệ với Vatican, được tìm thấy trong tình trạng treo cổ dưới cầu Blackfriers ở thủ đô London của Anh.

Một trong những giả thuyết phổ biến nhất về cái chết này là Calvi, ông chủ một ngân hàng ở Ý, bị Cosa Nostra, tổ chức mafia ở Sicilia, giết để trừng phạt vì làm mất số tiền mà chúng giao cho ông này.

Hồi đầu tuần này, cảnh sát Rome đưa một khách sạn vào diện quản lý nhà nước vì nghi ngờ khách sạn này thuộc quyền sở hữu và điều hành của ‘Ndrangheta. Khách sạn 4 sao Grand Hotel Gianicolo trước đây là tu viện được mua từ Giáo hội vào những năm 1990 với số tiền bị cho là “bẩn”.

Hôm thứ Hai, Giáo hoàng có bài giảng hùng hồn về chống tham nhũng, trong đó trích dẫn một thông điệp trong Kinh thánh rằng Chúa Jesus nói những kẻ phạm tội đáng bị buộc đá rồi ném xuống biển. Hồi tháng 5, trong một bài diễn thuyết trên quảng trường St. Peter ở Rome, Giáo hoàng lên án 4 băng đảng mafia ở Ý “bóc lột và bắt người dân làm nô lệ”, đồng thời kêu gọi chúng ăn năn hối cải.

“Tôi nghĩ đến những nỗi đau của những người đàn ông, phụ nữ và thậm chí cả trẻ em đang bị bọn mafia bóc lột. Họ bị buộc phải làm việc như nô lệ, như gái mại dâm. Đằng sau tình trạng nô lệ này là mafia”, Giáo hoàng Francis nói trước hàng ngàn người tham dự buổi diễn thuyết hằng tuần, sau lễ phong thánh cho linh mục Don Giuseppe Puglisi, người bị băng đảng Cosa Nostra giết hại năm 1993.

Giáo hoàng Francis luôn kêu gọi “một nhà thờ nghèo”, và gần đây hậu thuẫn các biện pháp cải tổ tại ngân hàng Vatican - tổ chức bị nghi ngờ là kênh rửa tiền của tội phạm nhiều năm qua.

TRÚC QUỲNH
Theo Telegraph, Washington Post

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG