Trung - Nhật đua nhau “tấn công quyến rũ” Đông Nam Á

Trung - Nhật đua nhau “tấn công quyến rũ” Đông Nam Á
TP - Trung Quốc gần đây liên tiếp phô diễn sức mạnh mềm. Ở Indonesia, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết tăng kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc-ASEAN lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020, thành lập ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á.

> Trung Quốc sẽ mềm mỏng hơn trên Biển Đông?

Thăm Indonesia và Malaysia trước thềm hội nghị APEC, ông Tập mang tới hàng loạt hợp đồng kinh tế và dự án đầu tư hứa hẹn. Chỉ riêng tại Indonesia, tổng giá trị các thỏa thuận hợp tác đã lên tới 32 tỷ USD. Liền sau đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công du một loạt nước Đông Nam Á khác. Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 9,17 tỷ USD viện trợ và đầu tư...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Với vô số hợp đồng kinh tế, cam kết đầu tư, hợp tác hấp dẫn, Trung Quốc có vẻ đang triển khai một đợt “tấn công quyến rũ” cấp tập vào khu vực Đông Nam Á.

Cuộc tấn công bằng sức mạnh mềm giúp Trung Quốc không chỉ tạm thời chuyển hướng chú ý khỏi những căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ, mà còn nhấn mạnh mối nghi ngờ năng lực của Mỹ trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn trong khủng hoảng chính trị và ngân sách.

Nhưng sân chơi Đông Nam Á không chỉ có mình Trung Quốc độc diễn. Nhật Bản không kém cạnh trong việc mở chiến dịch “Charm Offensive” vào khu vực địa chiến lược hết sức quan trọng này.

Với chuyến thăm Campuchia và Lào trong hai ngày 16 và 17/11, Thủ tướng Shinzo Abe đã hoàn tất việc thăm 10 nước ASEAN trong vòng chưa đầy một năm, kể từ khi lên nắm quyền tháng 12 năm ngoái.

Lịch trình thăm Đông Nam Á chưa có tiền lệ của lãnh đạo Nhật Bản hoàn tất trước Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN, dự kiến từ ngày 13 đến 15/12 tại Tokyo, đánh dấu 40 năm ngày hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhật Bản có nhiều lý do để đầu tư vào chiến dịch “tấn công quyến rũ” tại Đông Nam Á. Trước hết, Nhật Bản cần mở rộng liên kết với ASEAN, xây dựng một khuôn khổ hợp tác an ninh mới nhằm đảm bảo môi trường phát triển hòa bình. Điều này rất có ý nghĩa khi quan hệ Nhật-Trung trở nên căng thẳng, có nguy cơ bùng phát xung đột liên quan tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.

Vài năm qua, chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh chính sách đầu tư “Trung Quốc+1”, tích cực khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang Đông Nam Á để tránh rủi ro. Nhật Bản cũng trông đợi sẽ tranh thủ được sự năng động của Đông Nam Á để thúc đẩy chính sách Abenomics, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát, trì trệ kéo dài.

Dễ nhận thấy chiến dịch “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc nhằm thay đổi thế địa chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương, tạo nền tảng thuận lợi cho quá trình trỗi dậy siêu cường sau này. Tuy nhiên, bất kỳ mối quan hệ bền vững nào cũng cần dựa trên cơ sở niềm tin, trách nhiệm, sự chân thành.

Trong thảm họa bão Haiyan vừa qua tại Philippines, Nhật Bản đã mau chóng gửi các tàu chiến và 1.000 binh sĩ đến cùng quân đội Mỹ tích cực tham gia cứu trợ. Trong khi đó, Trung Quốc đã phần nào đánh mất hình ảnh “quyến rũ” khi bị truyền thông quốc tế chỉ trích về phản ứng quá chậm chạp, thái độ tính toán thiệt hơn trong việc cứu giúp Philippines giữa cơn hoạn nạn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG