Mỹ tuyên bố bảo vệ Nhật Bản

Mỹ tuyên bố bảo vệ Nhật Bản
TP - Mỹ hôm 24/11 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản sau khi Trung Quốc tuyên bố lập khu vực nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát.

> Nhật Bản phản đối Trung Quốc lập khu phòng không trên biển
> Trung - Nhật đua nhau “tấn công quyến rũ” Đông Nam Á

Tàu hải giám Trung Quốc (phải) tiến sát tàu cá và tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản gần đảo Uotsuri thuộc Senkaku/Điếu Ngư. nguồn: japan times
Tàu hải giám Trung Quốc (phải) tiến sát tàu cá và tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản gần đảo Uotsuri thuộc Senkaku/Điếu Ngư. nguồn: japan times.

Mỹ và đồng minh Nhật Bản coi việc Trung Quốc thiết lập khu vực nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông ngày 23/11 là động thái “cực kỳ nguy hiểm”. Sau khi thiết lập khu này, Trung Quốc tuyên bố cho máy bay phản lực ra tuần tra.

Ông Shen Jinke, phát ngôn viên của Không quân Trung Quốc, hôm 24/11 nói rằng, hai phi cơ thám thính đã thực hiện đợt tuần tra đầu tiên, với máy bay cảnh báo sớm và máy bay chiến đấu hỗ trợ. Ông Shen khẳng định, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc có năng lực kiểm soát hiệu quả khu vực này và sẽ có biện pháp đối phó những mối đe dọa trên không.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, hai máy bay của Trung Quốc bay chỉ cách không phận Nhật Bản vài dặm, khiến Tokyo phải triển khai máy bay chiến đấu lần thứ hai chỉ trong vòng một tháng.

Phát biểu từ Geneva, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel hôm 24/11 nói rằng, Mỹ “cực kỳ quan ngại” trước hành động của Trung Quốc.

“Hành động đơn phương này cấu thành nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông”, ông Kerry nói. “Hành động leo thang sẽ chỉ làm tăng căng thẳng trong khu vực và gây nguy cơ xung đột”, ông Kerry phát biểu.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ thúc giục Trung Quốc “thận trọng và kiềm chế”, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh “không có hành động đe dọa những máy bay không tự nhận dạng hoặc tuân lệnh của Bắc Kinh”.

Ngày 24/11, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng, Nhật Bản không công nhận khu vực nhận dạng phòng không mà Trung Quốc vừa thiết lập, Kyodo đưa tin. “Đó là hành động đơn phương và không được phép. Hành động này có thể gây ra những sự kiện không thể lường trước”, ông Kishida nói với các phóng viên ở Tokyo.

Nguy cơ leo thang quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Hagel nhắc lại rằng, quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) do Nhật Bản quản lý nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản, nghĩa là Washington sẽ bảo vệ đồng minh Tokyo nếu khu vực này bị tấn công.

Ông Hagel tuyên bố, với hơn 70.000 quân đang đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ không thừa nhận tuyên bố kiểm soát khu vực này của Trung Quốc. “Thông báo này của Trung Quốc sẽ không thay đổi được cách thức Mỹ thực hiện các hoạt động quân sự trong khu vực”, ông Hagel nói.

Một quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng, hành động của Bắc Kinh đang được hiểu là “sự thách thức trực tiếp” đối với hoạt động của Nhật Bản trong khu vực.

Một số chuyên gia an ninh cũng bày tỏ lo ngại căng thẳng leo thang, rằng nếu Trung Quốc áp dụng vùng nhận dạng phòng không thì việc máy bay phi quân sự bay vào khu vực này có thể dẫn tới nguy cơ xung đột quân sự giữa hai phía, Reuters đưa tin.

“Nếu hai máy bay của hai phía gặp nhau trên không thì sẽ dẫn đến tình huống cực kỳ nguy hiểm”, ông Narushige Michishita, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, nhận định.

Cho dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, vùng phòng không mới không nhằm vào nước nào cụ thể, nhưng theo phác thảo được đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng và báo chí nhà nước Trung Quốc, khu vực nhận dạng phòng không trên biển mới của nước này bao gồm một khu vực rộng lớn trên biển Hoa Đông nằm giữa Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan, trong đó có vùng không gian bên trên quần đảo tranh chấp.

Năm ngoái, Nhật quốc hữu hóa một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư và tuyên bố sẽ không nhượng bộ chủ quyền, thậm chí không công nhận là quần đảo này đang tranh chấp với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh lên. Ông tuyên bố sẽ đưa phần lớn tàu chiến của Mỹ vào khu vực này vào năm 2020. Tổng thống Obama có kế hoạch sẽ thăm một số nước châu Á, trong đó có Nhật Bản, vào tháng 4 năm sau. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến châu Á trong vài tuần tới.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG