9 sự kiện ảnh hưởng thế giới năm 2017

Từ trái sang: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Brexit, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và bà Marine Le Pen. Nguồn: Financial Times.
Từ trái sang: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Brexit, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và bà Marine Le Pen. Nguồn: Financial Times.
TP - Nhật báo Financial Times (trụ sở chính ở Anh) vừa bình chọn 9 sự kiện lớn có ảnh hưởng đến thế giới năm 2017.

Ngày nhậm chức của ông Trump

Ngày 20/1, ông Donald Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ đời thứ 45. Nhiều người dự đoán, ngôn ngữ mà ông sử dụng trong diễn văn nhậm chức sẽ là “giai điệu” mà ông sẽ vận hành chính quyền sau này. Ông Trump đã cam kết sẽ kéo Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính sách Obamacare (với các chế độ bảo hiểm y tế có lợi cho người nghèo), chính sách năng lượng sạch và nhiều chính sách khác của chính quyền trước đó. Cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump với tư cách tổng thống Mỹ và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin cũng được giới quan sát đặc biệt quan tâm.

Anh thực hiện lộ trình rời EU

Chín tháng sau cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực, chính phủ Anh sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để thực hiện lộ trình rời khỏi EU vào cuối tháng 3. Chính phủ của Thủ tướng Theresa May cam kết đặt ra một chiến lược đàm phán toàn diện cho các thủ tục để Anh rời EU trong thời gian hai năm. Bà May sẽ tìm cách để tránh gây sốc cho thị trường, đồng thời khuyến khích đầu tư trong nước.

Đánh bật IS khỏi thành trì Raqqa

Hai năm qua, quân đội Syria và Iraq chiếm lại phần lớn lãnh thổ bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đánh chiếm. Có thể trong 6 tháng đầu năm 2017, cuộc chiến chống IS và thu hồi lại thành trì của IS tại thành phố Raqqua của Syria sẽ có kết quả tốt đẹp. Rất có thể, ông Donald Trump sẽ thành lập một liên minh các lực lượng Syria, người Kurd và người Ảrập để tiêu diệt triệt để IS.

Bầu cử tổng thống Pháp

Ứng viên đảng Cộng hòa Francois Fillon và ứng viên đảng Mặt trận dân tộc Marine Le Pen đang dẫn đầu cuộc đua vào Điện Élysée. Theo nhiều nhà phân tích, bà Le Pen có thể giành chiến thắng ở vòng bầu cử đầu tiên, nhưng sẽ về nhì ở vòng sau bởi các cử tri trung lập chống lại bà. Bà Le Pen giành được ưu thế nhờ vào sự ủng hộ của các cử tri thuộc tầng lớp lao động. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu bà Le Pen trở thành Tổng thống Pháp, EU sẽ phải đối mặt một cuộc khủng hoảng lớn.

Ảnh hưởng của Tổng thống Iran ở Trung Đông

Theo giới quan sát, cuộc bầu cử vào tháng 5 ở Iran sẽ có ý nghĩa quyết định đối với Trung Đông. Bốn năm qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã để lại dấu ấn đối với Iran, đặc biệt là thông qua thỏa thuận hạt nhân của nước này với Mỹ và năm cường quốc khác. Nếu thỏa thuận hạt nhân bị ông Donald Trump loại bỏ như đã cam kết, việc tái đắc cử của Tổng thống Rouhani sẽ khó khăn hơn.

Mỹ tăng lãi suất gấp 3 lần

Năm 2017, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất lên ba lần. Chủ tịch FED Janet Yellen từng nói có thể đẩy lãi suất cao hơn nếu tân tổng thống giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với các gói kích thích tài khóa lớn mà ông đang theo đuổi.

Trưng cầu ý dân ở Thổ Nhĩ Kỳ

Sau khi dập tắt các nỗ lực đảo chính năm 2016, Tổng thống Recep Erdogan trở nên quyền lực hơn; năm 2017, ông có thể lãnh đạo cả nhà nước và chính phủ. Một cuộc trưng cầu ý dân có thể diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5. Các đối thủ của ông có thể sẽ phản ứng gay gắt và bỏ phiếu “không” với luận điểm rằng, đó mới là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn chế độ độc tài.

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc sau ông Mao Trạch Đông. Theo các chuyên gia quốc tế, ông Tập sẽ tìm cách củng cố quyền lực của mình tại Đại hội Đảng lần thứ 19 diễn ra cuối năm 2017 và khả năng sẽ tiếp tục làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến năm 2022.

Thủ tướng Đức tái tranh cử

Dù bị chỉ trích gay gắt về chính sách nhập cư và sự suy yếu của Liên minh châu Âu, bà Angela Merkel vẫn khẳng định sẽ tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thủ tướng Đức thứ 4 vào năm 2017.  Nhiều người cho rằng, bà sẽ phải tranh đấu vất vả với phe chống đồng euro và chống nhập cư. Thủ tướng Đức đang cố tìm cách đảm bảo vai trò quan trọng trên trường quốc tế của mình sẽ không bị ảnh hưởng bởi vai trò ở trong nước.

Theo Theo Financial Times
MỚI - NÓNG