Ai Cập: Giết chóc đẫm máu, đối mặt cấm vận

Ai Cập: Giết chóc đẫm máu, đối mặt cấm vận
TP - Hôm qua, các tay súng Hồi giáo phục kích cảnh sát Ai Cập trên bán đảo Sinai, sát hại ít nhất 25 người; trong khi đó, tại một nhà tù gần Cairo, 36 tù nhân Hồi giáo chết ngạt vì hơi cay. Liên minh châu Âu đang cân nhắc cấm vận Ai Cập, một số quốc gia chuẩn bị sơ tán công dân khỏi nước này.

> Thái Lan bắt đầu sơ tán công dân khỏi Ai Cập
> Ai Cập: 36 tù nhân Anh em Hồi giáo bị giết gây phẫn nộ

Binh sĩ Ai Cập cùng xe bọc thép canh giữ quảng trường Tahrir ở Cairo hôm 17/8. Ảnh: Hassan Ammar
Binh sĩ Ai Cập cùng xe bọc thép canh giữ quảng trường Tahrir ở Cairo hôm 17/8. Ảnh: Hassan Ammar.

Hai chiếc xe buýt nhỏ chở cảnh sát ngoài giờ làm nhiệm vụ bị các tay súng Hồi giáo phục kích ở thị trấn Rafah gần biên giới với Israel, nã đạn súng máy và lựu đạn. Ngoài số cảnh sát bị giết, 3 cảnh sát bị thương, các nguồn tin y tế và an ninh cho biết. Sau vụ việc này, chính quyền Ai Cập quyết định đóng cửa khu vực Rafah.

Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi tuyên bố sẽ mạnh tay chống lại bạo lực, trong khi những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi hoãn một số cuộc tuần hành đã được lên kế hoạch ở thủ đô Cairo vì “lý do an ninh”.

Đại sứ Israel ở Mỹ Michael Oren hôm qua nói rằng, Iran chính là thủ phạm thực hiện đợt tấn công đêm thứ Bảy trên bán đảo Sinai nhằm vào cả Israel và Ai Cập. Quân đội Israel được đặt trong tình trạng cảnh báo cao độ, còn hàng nghìn người Israel gần biên giới lo lắng suốt cả đêm.

Kể từ giữa tuần trước, khi lực lượng an ninh giải tán khu trại của đám đông biểu tình ủng hộ ông Morsi, ít nhất 850 người thiệt mạng, hàng nghìn ngươi bị thương. Hôm 18/8 (giờ địa phương), ít nhất 36 người Hồi giáo thiệt mạng trong lúc bị tạm giam. Tổ chức Anh em Hồi giáo gọi đây là vụ “giết người”, còn chính quyền thông báo rằng, những người này thiệt mạng trong lúc vượt ngục.

Theo Bộ Nội vụ, 36 người chết ngạt vì hơi cay trong khi đang cố gắng trốn khỏi một nhà tù gần Cairo. Theo một nguồn tin từ tòa án, 38 người đàn ông chết vì ngạt thở khi bị giam trong xe thùng của cảnh sát.

Chính quyền gọi chiến dịch trấn áp của mình là cuộc chiến chống khủng bố, trong khi Anh em Hồi giáo bác bỏ mọi mối liên hệ với các tay súng có vũ trang, kể cả những người tham gia cuộc đấu tranh bạo lực lật đổ nhà lãnh đạo Hosni Mubarak năm 2011.

EU định cấm vận

Sự trượt ngã của Ai Cập vào cuộc xung đột nội bộ đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của nước này đang khiến các nước lớn trên thế giới bối rối, vắt óc tìm cách đối phó thích hợp.

Các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) dự định họp tại Brussels (Bỉ) để xét lại khoản hỗ trợ và cho vay 5 tỷ euro theo cam kết, nhằm gây áp lực buộc chính phủ Ai Cập phải thỏa hiệp.

EU cũng dự định áp lệnh cấm vận vũ khí, khí tài và các phương tiện khác, nhằm gây sức ép buộc chính quyền Ai Cập ngay lập tức chấm dứt bạo lực.

Mỹ, đồng minh của Ai Cập từ khi nước này hòa bình với Israel năm 1979, đã ngừng chuyển 4 máy bay chiến đây F-16 và hủy một đợt tập trận chung.

Tình trạng bất ổn ở Sinai khiến Mỹ lo lắng vì khu vực này nằm cạnh Israel và Dải Gaza (đang thuộc quyền quản lý của phong trào Hamas) cũng như kênh đào Suez.

Trong khi đó, Ảrập Xêút, đồng minh của Mỹ, thúc giục Washington và EU không trừng phạt Cairo trước những hành động chống lại Anh em Hồi giáo. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của EU nói rằng, Mỹ, châu Âu và các quốc gia Ảrập chỉ có ảnh hưởng rất hạn chế đối với giới tướng lĩnh Ai Cập.

Trước diễn biến chính trị phức tạp và tình trạng bạo loạn tại Cairo, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 19/8 ra lệnh sơ tán công dân nước này ở Ai Cập.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết, nữ Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan này sơ tán công dân tới nơi an toàn càng sớm càng tốt, sau khi bạo lực lên mức 4 - mức nghiêm trọng nhất. Khoảng 900 người Thái Lan, chủ yếu là sinh viên, đã nhận được thông báo yêu cầu trở về nước.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Đại sứ quán Việt Nam chuẩn bị phương án sơ tán

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đào Thành Chung, cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng phương án cụ thể trong những trường hợp xấu nhất xảy ra, kể cả việc đóng cửa Đại sứ quán và sơ tán cộng đồng người Việt Nam”.

Những biện pháp chỉ đạo của Bộ Ngoại giao chủ yếu hiện nay là yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao tại Ai Cập xây dựng các phương án và Bộ sẵn sàng có hình thức hỗ trợ cần thiết.

“Tình hình tại Ai Cập hiện nay rất khó lường, có khả năng sẽ ngày càng xấu đi. Viễn cảnh các bên thỏa hiệp trong thời gian sắp tới là rất khó xảy ra và bạo lực sẽ tiếp tục lan rộng với thương vong ngày càng tăng”, Đại sứ Chung nhận định.

Có 79 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Ai Cập, trong đó số lượng cán bộ, công nhân viên cũng như các thành viên gia đình đi theo là 24 người. Số còn lại là sinh viên, học sinh cùng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại quốc gia này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.