Ai Cập lùi phiên tòa xử ông Morsi

Ai Cập lùi phiên tòa xử ông Morsi
TP - Ngày 4/11, Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi được trực thăng đưa tới tòa, để xét xử về tội “kích động giết người”. Sau phiên tòa ngắn ngủi, chính quyền Ai Cập quyết định lùi thời gian phân xử sang ngày 8/1/2014.

> Ngoại trưởng Mỹ thăm Ai Cập
> Mỹ vẫn im lặng trước vụ ông Morsi bị phế truất

Từ khi ông Morsi bị lật đổ, chính phủ tạm quyền do quân đội hậu thuẫn đã phát động một chiến dịch nhằm vào phong trào Anh em Hồi giáo. Khoảng hơn 1.000 thành viên bị giết, hơn 2.000 phần tử Hồi giáo cực đoan bị bắt giữ, trong đó có giới lãnh đạo Anh em Hồi giáo. Chính quyền đã triển khai 20.000 binh sĩ, nhiều xe quân sự và chốt gác nhằm giữ gìn an ninh ở Cairo từ đầu tháng 7.

Phong trào Anh em Hồi giáo biểu tình ủng hộ ông Morsi tại Cairo ngày 4/11. Ảnh: AP

Ông Morsi, vị tổng thống đầu tiên được bầu cử dân chủ tại Ai Cập, bị quân đội giam giữ tại một địa điểm bí mật kể từ ngày 3/7. Cảnh sát trưởng Cairo Osama al Soghhayar cho biết, ông Morsi được đưa tới phiên tòa ở Học viện Cảnh sát Cairo bằng trực thăng để xét xử cùng với 14 nhân vật bị cáo buộc kích động giết người biểu tình ngày 5/12/1012.

Chánh án Ahmed Sabry Youssef phải lùi giờ mở tòa vì ông Morsi không chịu đổi sang bộ đồ trắng dành cho tù nhân ở Ai Cập. Trong phiên tòa ngắn ngủi, ông Morsi tuyên bố mình vẫn là tổng thống và phiên tòa là bất hợp pháp. Ông tuyên bố trước tòa: “Đó là một cuộc đảo chính quân sự. Những kẻ lãnh đạo vụ đảo chính phải bị xét xử”.

Từ khi ông Morsi bị lật đổ, chính phủ tạm quyền do quân đội hậu thuẫn đã phát động một chiến dịch nhằm vào phong trào Anh em Hồi giáo. Khoảng hơn 1.000 thành viên bị giết, hơn 2.000 phần tử Hồi giáo cực đoan bị bắt giữ, trong đó có giới lãnh đạo Anh em Hồi giáo. Chính quyền đã triển khai 20.000 binh sĩ, nhiều xe quân sự và chốt gác nhằm giữ gìn an ninh ở Cairo từ đầu tháng 7.

Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng 2 năm, một tổng thống bị phế truất bị đưa ra xét xử tại Ai Cập và cũng là lần đầu tiên ông Morsi xuất hiện công khai kể từ khi bị giam giữ. Phiên tòa xét xử ông Morsi được mở chính tại gian phòng xử cựu Tổng thống Hosni Mubarak trước đây. Ông Mubarak cũng bị xét xử về tội danh liên quan việc giết người biểu tình. Phong trào Anh em Hồi giáo kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình lớn vào ngày xét xử ông Morsi. Trước phiên tòa, hai phe chống đối và ủng hộ ông Morsi đã đụng độ, khiến gần 10 người chết, hàng trăm người bị thương.

Hồi tháng 8, cảnh sát trấn áp hai trại biểu tình ủng hộ ông Morsi, làm hàng trăm người chết và bắt giữ hàng ngàn người. Bạo lực lan rộng sau đó, hàng trăm nhân viên an ninh bị giết trong một loạt vụ tấn công ở bán đảo Sinai, các thành phố bên kênh đào Suez và thung lũng sông Nil. Vòng xoáy bạo lực và bất ổn chính trị đã làm suy sụp kinh tế Ai Cập vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch và đầu tư nước ngoài.

Quân đội cáo buộc Anh em Hồi giáo cổ súy khủng bố, nhưng phong trào này bác bỏ liên quan các hành động bạo lực. Nhóm Hồi giáo lâu đời và có ảnh hưởng lớn nhất ở Ai Cập đã bị cấm hoạt động và bị phong tỏa các nguồn tài chính. Người phế truất ông Morsi là Tư lệnh quân đội Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đang nổi như cồn. Rất ít người nghi ngờ chiến thắng của vị tướng này nếu ông ra tranh cử tổng thống.

Anh em Hồi giáo coi việc phế truất ông Morsi là một cuộc đảo chính hủy hoại nền dân chủ có được sau khi lật đổ ông Mubarak, cũng như không công nhận tính hợp pháp của phiên tòa xét xử ông Morsi. Con trai ông là Osama Morsi, 30 tuổi, nói với Reuters rằng, cha mình không được phép mời luật sư bào chữa và gia đình cũng không được dự phiên tòa. Nếu bị kết tội kích động giết người, ông Morsi sẽ phải chịu án tử hình.

Thục Ninh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG