Ai Cập: Ra lệnh giới nghiêm, quân đội sẽ cản biểu tình

Một phụ nữ tìm cách thoát khỏi đám đông khi cảnh sát chống bạo động đụng độ người biểu tình
Một phụ nữ tìm cách thoát khỏi đám đông khi cảnh sát chống bạo động đụng độ người biểu tình
TP - Hôm qua, Tổng thống Ai Cập áp dụng lệnh giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 7 giờ sáng ở thủ đô Cairo cùng 2 thành phố Alexandria và Suez. Ông cũng ngụ ý rằng, sẽ điều quân đội lần đầu tiên xuống phố để trấn áp biểu tình.

> Ai Cập đề nghị Mỹ hỗ trợ đối phó biểu tình
> Ai Cập sẽ mạnh tay với người biểu tình 

Một phụ nữ tìm cách thoát khỏi đám đông khi cảnh sát chống bạo động đụng độ người biểu tình
Một phụ nữ tìm cách thoát khỏi đám đông khi cảnh sát chống bạo động đụng độ người biểu tình. Ảnh: AP

Ngày 28-1, hàng chục nghìn người biểu tình chống chính phủ đổ xuống đường, ném đá và giằng co với cảnh sát chống bạo động bắn đạn cao su và lựu đạn cay. Đây là cảnh tượng bạo lực và hỗn loạn nhất trong 30 năm cầm quyền của ông Mubarak. Đáng chú ý, một số cảnh sát cởi bỏ đồng phục, huy hiệu rồi gia nhập đoàn biểu tình.

Bốn ngày qua, tám người biểu tình thiệt mạng và người đoạt giải Nobel Hòa bình Mohamed ElBaradei bị quản thúc tại gia sau khi tham gia đoàn diễu hành. Ở thủ đô Cairo, nhiều nhóm biểu tình hô to khẩu hiệu đả đảo lệnh cấm tụ tập đông người, một số đốt lốp xe khiến khói đen mù mịt khắp thành phố.

Ngày 28-1 tại Suez, người biểu tình thu súng ở một đồn cảnh sát, yêu cầu các cảnh sát trong đồn rời tòa nhà trước khi họ đốt cháy. Họ cũng đốt khoảng 20 xe cảnh sát đỗ gần đó. Người biểu tình đấu súng với cảnh sát khi họ tràn vào một đồn cảnh sát khác, và một người biểu tình trúng đạn chết, nâng tổng số người chết trong các vụ biểu tình 4 ngày qua lên 8. Dịch vụ Internet và điện thoại di động ở Cairo phần lớn bị cắt nhằm ngăn người biểu tình liên lạc để tổ chức tuần hành phản đối.

Các quan chức an ninh nói rằng, biểu tình diễn ra ở ít nhất 11 trong số 28 tỉnh của Ai Cập. Các cuộc biểu tình nhỏ, lẻ bắt đầu từ ngày 25-1. Họ đòi trục xuất Tổng thống Mubarak 82 tuổi, cáo buộc chính phủ nhiều năm qua làm ngơ trước cảnh nghèo đói khắp nơi, tỷ lệ thất nghiệp cao, giá lương thực và thực phẩm tăng mạnh. Người biểu tình đã cướp phá trụ sở chính của đảng cầm quyền của ông Mubarak ở thành phố Mansoura và Suez.

Theo nhiều nhà phân tích, Ai Cập là đồng minh Ảrập thân cận nhất của Mỹ, nhưng ông Mubarak có thể đang đánh mất sự ủng hộ của Washington và cơ hội nắm giữ quyền lực. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công khai khuyên ông Mubarak tiến hành cải cách và hạn chế dùng bạo lực chống lại người biểu tình.

Ông Mubarak không nói rằng, liệu năm tới ông có ứng cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa hay không. Ông chưa bao giờ bổ nhiệm phó tổng thống. Nhiều người nghĩ rằng, ông đang chuẩn bị cho con trai lãnh đạo đất nước.

Minh Long
Theo AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG