Ai Cập tặng Ả-rập 2 đảo chiến lược để cảm ơn

Hai hòn đảo Tiran và Sanafir được Ai Cập tặng lại cho Ả-rập Saudi
Hai hòn đảo Tiran và Sanafir được Ai Cập tặng lại cho Ả-rập Saudi
TPO - Sau chuyến công du 5 ngày, quốc vương Salman của Ả-rập Saudi trở về với món quà đặc biệt từ phía Ai Cập, đó là hai hòn đảo nằm ở vị trí chiến lược trên Hồng Hải.

Theo New York Times, đây là lời cảm ơn sau khi Ai Cập nhận được nhiều lời hứa hẹn viện trợ và đầu tư có giá trị từ quốc gia Trung Đông giàu có. Theo truyền thông Ai Cập, chỉ trong 5 ngày, 2 bên đã kí kết 15 thoả thuận kinh tế, nổi bật nhất là một gói phát triển Sinai và thoả thuận dầu mỏ trị giá tới 22 tỷ USD.

Hôm 9/4, nội các Ai Cập thông báo sẽ chuyển giao chủ quyền hai đảo Tiran và Sanafir ở Vịnh Aqaba cho Ả-rập Saudi. Nội các nước này cho rằng việc chuyển giao này là hợp pháp bởi vốn dĩ hai hòn đảo này là của Ả-rập Saudi. Năm 1950, hai đảo trên được giao cho Ai Cập kiểm soát bởi Ả-rập Saudi không muốn Israel chiếm chúng.

Tuy nhiên, thông báo trên vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân Ai Cập vì nhiều thập kỉ qua họ cho rằng hai hòn đảo thuộc về chủ quyền của nước này. Nhiều cuộc tranh luận nảy lửa nổi lên đặt ra vấn đề rằng liệu Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi có đang nhượng bộ “nhục nhã” trước đồng minh giàu có hay không.

Trong một loạt các bài bình luận trên truyền thông xã hội, các nhà phê bình gọi Tổng thống Sisi là “Awaad”, một nhân vật trong dân ca Ai Cập bán đất của mình, hành động được cho là đáng xấu hổ trong quan niệm của người dân Ai Cập.

Một cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra ở Quảng trường Tahrir để phản đối hành động trên. Ít nhất 5 người đã bị lực lượng an ninh bắt giữ vì gây rối trật tự hôm 11/4, theo Bộ Nội vụ Ai Cập.

Ông Samer Shehata, giáo sư chuyên nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma nêu ý kiến: “Dù có là hợp pháp nhưng động thái này quả thực khủng khiếp. Quốc vương Salman tới Ai Cập, mang theo hàng tỷ USD viện trợ và đầu tư, đổi lại ông nhận được hai hòn đảo. Có vẻ như nhiều người dân Ai Cập cho rằng Tổng thống đang bán đất cho đồng minh Ả-rập Saudi”.

Trong khi đó, các quan chức Ai Cập cho biết, việc chuyển giao hai hòn đảo (chỉ cách bờ biển nước này 8km) là kết quả của cuộc đàm phán kéo dài 6 năm qua về biên giới hàng hải. Đảo Tiran và Sanafir không có giá trị kinh tế mà chủ yếu là chiến lược bởi không có dân cư sinh sống, chỉ có số ít binh sỹ (hầu hết là người Mỹ) đóng quân trên đảo Tiran theo thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Ai Cập năm 1979.

Theo Theo New York Times
MỚI - NÓNG