Ai đã khui ra 'sữa sạn thận' ?

Ai đã khui ra 'sữa sạn thận' ?
Đó là Giản Quang Châu, phóng viên tờ Đông Phương Buổi Sáng của Thượng Hải. Anh trở thành anh hùng trong mắt người dân Trung Quốc vì đã cảnh báo trẻ em bị sạn thận do uống sữa bột Sanlu (Tam Lộc).
Ai đã khui ra 'sữa sạn thận' ? ảnh 1

Phóng viên Giản Quang Châu của báo Đông Phương Buổi Sáng - Ảnh: Forex.com

Bài báo của anh đã làm rúng động xã hội Trung Quốc và gióng lên hồi chuông báo động về tình hình an toàn thực phẩm, đạo đức kinh doanh của những nhà sản xuất thực phẩm dành cho trẻ em ở nước này.

Bài báo khiến ngành công nghiệp sản xuất sữa của Trung Quốc phải nhìn lại mình, từ đó những thủ đoạn lừa dối khách hàng, lừa dối xã hội của những tập đoàn lớn như Sanlu (Tam Lộc), Mengniu (Mãnh Ngưu), YiLi (Y Lợi)... phải lộ dần ra ánh sáng.

Mẫu số chung: Sanlu

Tân Hoa xã dẫn lời Quang Châu cho rằng có thể một vài tờ báo địa phương đã nhận phí “bịt miệng” của Sanlu để không nêu tên tập đoàn trên báo. Giản Quang Châu không làm như thế bởi anh nhận thấy rằng thế giới bên ngoài không thể hiểu thấu những gian nan trong sự sinh tồn của báo chí Trung Quốc và giá trị lương tâm của con người trong sự sinh tồn ấy là bao nhiêu.

Theo báo điện tử Giang Tô, quá trình điều tra của Quang Châu bắt đầu từ khi anh nhận được thông tin nhiều trẻ cùng có triệu chứng sạn thận và vôi hóa cơ quan tiết niệu hiếm thấy đang điều trị ở Bệnh viện Giải Phóng Quân số 1 Trung Quốc ở Cam Túc.

Sáng 10-9, Châu đến bệnh viện và được bác sĩ Lý Văn Huy, trưởng khoa nội, cho biết hầu hết 14 trẻ mắc bệnh đều dùng cùng một loại sữa bột của Sanlu. Lúc đó Châu nhớ tới sự kiện sữa đầu to ở An Huy do một đồng nghiệp phanh phui năm 2004, và cho rằng có thể đây cũng là một sự kiện vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng tương tự.

Tuy nhiên Châu vẫn thấy chưa đủ chứng cứ để kết luận, anh trở lại Bệnh viện Giải Phóng Quân để phỏng vấn những gia đình có con mắc bệnh, thêm vào đó các báo đài ở Hồ Bắc cung cấp thông tin quan trọng: từ cuối tháng tám, các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, Giang Tây... đã có trẻ mắc các triệu chứng trên. Châu đi tìm tác giả bài báo từng trực tiếp đến với các gia đình này và tìm ra mẫu số chung là hầu hết trẻ ở các vùng nông thôn này đều uống sữa Sanlu.

Đắn đo và quyết tâm

Ai đã khui ra 'sữa sạn thận' ? ảnh 2

Bài báo của Quang Châu đã kịp cứu cả một thế hệ trẻ em Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Sáng 11-9, báo Đông Phương Buổi Sáng đăng bài “14 trẻ ở Cam Túc mắc bệnh sạn thận do uống sữa bột Sanlu” đã gây chấn động dư luận Trung Quốc, vì đây là bài báo đầu tiên dám đưa tên thật của một tập đoàn có tầm cỡ lại sản xuất hàng kém chất lượng.

Nhưng có mấy ai biết để cái tên Sanlu xuất hiện trên mặt báo thì tác giả Giản Quang Châu và tòa soạn báo phải chịu áp lực rất nặng nề.

Trên blog của mình, phóng viên Quang Châu bộc bạch: anh không viết bài báo trên vì danh tiếng mà chính vì nhận thấy một tập đoàn thực phẩm danh tiếng vào bậc nhất Trung Quốc đã mất đi tính trách nhiệm đối với xã hội, và cũng chính vì một bộ phận báo chí trong nước đã không dám dũng cảm lên tiếng khi phát hiện sự việc.

Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ blog của Châu cho biết trước anh có vài tờ báo ở Cam Túc, Hồ Bắc... đã đưa tin trẻ uống sữa bột bị sạn thận. Tuy nhiên lại không nêu rõ sữa bột của nhà sản xuất nào mà chỉ gọi chung chung là “một nhãn hiệu sữa bột”. Điều này ít nhiều tác động đến Quang Châu khiến anh nhiều lần do dự trước khi đặt bút viết bài báo này.

Châu cũng từng tự hỏi có nên nêu tên Tập đoàn Sanlu trong bài báo hay không, bởi anh biết chắc làm điều đó có thể anh sẽ gặp nguy hiểm. Thêm vào đó Sanlu là một nhãn hiệu lâu đời ở Trung Quốc, họ đã lớn tiếng đảm bảo chất lượng sản phẩm khi anh đến tìm hiểu vấn đề vào ngày 10-9.

Nếu viết sai anh sẽ rơi vào vòng lao lý, còn giả sử viết đúng thì anh sẽ đắc tội với nhiều bên do đã làm tổn hại đến một thương hiệu lâu đời của dân tộc. Khi biết anh viết bài này, người mẹ già ở quê nhà đã có ý can ngăn vì lo sợ anh sẽ gặp nguy hiểm.

Tuy nhiên, Quang Châu đã đi đến quyết định sau khi nghe các bác sĩ ở Cam Túc phân tích tình hình của 14 bệnh nhi và tác hại của loại sữa kém chất lượng đối với sức khỏe con người.

Nước mắt các bậc cha mẹ trẻ chứng kiến đứa con chưa tròn tuổi phải vào phòng phẫu thuật, cùng những tiếng khóc thét của các em bị tiêm thuốc ngay trên đầu đã ám ảnh người phóng viên trẻ này. Phải đưa cái tên Sanlu vào bài báo của mình, Quang Châu dứt khoát.

Những cú điện thoại

Sau khi bài báo đăng, suốt ngày 11-9, tòa soạn Đông Phương Buổi Sáng và cả Quang Châu nhận được rất nhiều cuộc điện thoại yêu cầu phải gỡ bài báo khỏi trang báo điện tử. Thậm chí có một người họ Lưu tự xưng là người của Sanlu gửi đến yêu cầu xóa bài báo đó.

Sau đó, khi nhiều tờ báo mạng ở Trung Quốc cho đăng lại bài báo của Quang Châu, Tập đoàn Sanlu đã có động thái cứu vãn uy tín bằng cách đăng thông cáo báo chí bảo đảm sản phẩm của họ không có vấn đề trên mạng Sina và Nhân Dân Nhật báo ngay trong ngày.

Khi ấy Quang Châu phải tắt cả điện thoại vì tâm lý bị đè nặng bởi hai mạng báo lớn này đã đăng lời thanh minh của Tập đoàn Sanlu. Đến 21g tối 11-9, khi Tập đoàn Sanlu thừa nhận sữa có nhiễm melamine và cho thu hồi lô hàng sản xuất trước ngày 6-8, tòa soạn và phóng viên Quang Châu mới trút được gánh nặng và những mối lo trước đó.

Tân Hoa xã nhận định bài báo của Quang Châu đã làm Tập đoàn Sanlu lao đao, ngành sản xuất sữa trong nước bị tổn hại nghiêm trọng, nhiều quan chức từ trung ương đến địa phương mất chức, thậm chí ảnh hưởng đến thương hiệu Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuy nhiên, anh đã làm được một việc lớn lao là cứu cả thế hệ trẻ thơ vô tội thoát khỏi di chứng bệnh tật suốt đời.

Quang Châu tâm sự: “Chỉ nghĩ đến những đứa bé bất hạnh vì uống sữa của Sanlu mà phải lọc thận suốt đời, thậm chí mất mạng, tôi không hối hận việc mình đã làm. Tôi nghĩ rằng tôi chỉ nói ra một sự thật cần nói mà thôi”.

Theo Mỹ Loan (tổng hợp)
Tuổi trẻ 

MỚI - NÓNG