Ai sẽ thay thế ông Kofi Annan?

Ai sẽ thay thế ông Kofi Annan?
TPCN - Tại trụ sở LHQ ở New-York đang diễn ra những cuộc thảo luận ráo riết về việc nhân vật nào sẽ trở thành Tổng Thư ký mới của LHQ thay thế ông Kofi Annan sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay.
Ai sẽ thay thế ông Kofi Annan? ảnh 1
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan

Một danh sách gồm 15 ứng cử viên đại diện cho tất cả các châu lục đã được đề xuất.

Trong danh sách đó có thể thấy những nhân vật rất có uy tín, chẳng hạn như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người đã nổi bật trong vai trò Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ trong việc khắc phục những hậu quả của thảm họa sóng thần và động đất ở Đông Nam Á.

Trong danh sách đó còn có Thủ tướng Anh Tony Blair, người đã nhiều lần thử sức trong nền ngoại giao thế giới. Tuy nhiên, theo một quy tắc bất thành văn đã hình thành trong lịch sử 60 năm của LHQ thì đại diện những quốc gia thành viên thường trực HĐBA không thể chiếm giữ chức vụ cao nhất của tổ chức này.

Bởi vậy, cơ hội của hai nhân vật kể trên là không nhiều. Quả thật, đại diện của Mỹ tại LHQ là John Bolton mới đây có tuyên bố rằng trong việc bầu chọn Tổng Thư ký LHQ không nên để ý đến quốc tịch ứng cử viên mà nên chú trọng đến phẩm chất cá nhân và năng lực nghề nghiệp của người đó.

Ý kiến này khiến người ta nhớ đến ý kiến của cố lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ông tuyên bố rằng mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột.

Nhân nói đến Trung Quốc thì ai cũng biết rằng nước này đã phát biểu quan điểm của mình, đại để là Tổng Thư ký mới của LHQ phải là đại diện của châu Á.

Quan điểm đó của Trung Quốc hiển nhiên là có sức nặng vì hai lẽ. Thứ nhất, Trung Quốc là thành viên thường trực HĐBA LHQ, và thứ hai, đại diện châu á cuối cùng làm Tổng Thư ký LHQ cách đây đã gần nửa thế kỷ - đó là ông U Tan người Mianmar.

Nhưng khó khăn là ở chỗ các quốc gia châu Á cho tới nay vẫn không thể thống nhất với nhau về một ứng cử viên duy nhất. Nhân vật “khai hỏa” đầu tiên là Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surakiart Satiratai, người đã mở chiến dịch vận động từ năm 2004.

Nhưng theo ý kiến của nhiều nhà ngoại giao thì cơ may của ông Satiratai không nhiều vì một loạt lý do.

Thứ nhất, ông để lộ tham vọng của mình quá sớm, và thứ hai, ông chắc gì đã giữ được lâu chức vụ hiện nay sau những biến động vừa qua ở Thái Lan khiến Thủ tướng Thạc Xỉn phải từ chức.

Cách đây ít lâu, cả Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ban Ki Mun cũng tuyên bố có ý định ra ứng cử chức Tổng Thư ký LHQ. Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân tích hoài nghi về cơ may của ông bởi vì chắc chắn ông sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nhật Bản và một vài nước châu Á khác.

Trong số những ứng cử viên châu á còn có ông Jayanta Danapala, người Sri-Lanka, cựu Phó Tổng Thư ký LHQ về giải trừ quân bị. Nhưng khả năng thành công của ông này là không nhiều bởi vì tuổi ông đã cao (chỉ hai năm nữa ông sẽ 70 tuổi).

Hơn nữa, ông không biểu lộ được gì nhiều trong thời gian phụ trách các vấn đề giải trừ quân bị. Chính là vào thời đó mà ấn Độ và Pakistan đã chế tạo thành công vũ khí hạt nhân và thực tế đã gia nhập câu lạc bộ hạt nhân, đồng thời công nghệ hạt nhân bắt đầu lan truyền nhanh chóng tại nhiều khu vực trên thế giới.

Mỹ cùng một loạt nước Đông Âu thì đang nỗ lực vận động cho ứng cử viên Alexandr Kvasnevski, cựu Tổng thống Ba Lan và là người đã ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến Iraq cũng như đã ủng hộ cuộc “cách mạng màu cam” ở Ukraina.

Ông Kvasnevski không những được thiện cảm của Mỹ và Anh mà còn được lòng cả Pháp mà 3 nước này đều là thành viên thường trực HĐBA. Nhưng ông lại bị một nước thành viên thường trực khác của HĐBA là Nga kịch liệt phản đối.

Nga cũng không chấp nhận một ứng cử viên khác rất được lòng các nước phương Tây là nữ Tổng thống Latvia Vaira Vike-Fraiberg. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố là Nga muốn thấy một đại diện của châu Á trên cương vị Tổng Thư ký LHQ. Nghĩa là trong vấn đề này thì lập trường của Nga đồng nhất với lập trường của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, một ứng cử viên nặng ký bất ngờ nổi bật lên – đó là Bộ trưởng Ngoại giao Kazakstan Kasymjomart Tokaev. Ông không những đã nhiều năm hoạt động ngoại giao mà còn thông thạo tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp.

Ông có thanh danh tốt trong cộng đồng quốc tế nhưng có một nhược điểm quan trọng: ông đại diện cho một quốc gia mới thành lập vùng Trung á với những chuẩn mực xa lạ với những chuẩn mực lâu đời của các quốc gia tiên tiến.

Xét về thanh danh tốt trong cộng đồng quốc tế thì không thể không kể đến các quốc gia vùng Scandinave vốn nổi tiếng là hào phóng trong việc tài trợ cho nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sinh thái.

Bởi vậy, trong danh sách các ứng cử viên chức Tổng Thư ký LHQ còn có Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Jan Ellianson, Chủ tịch hiện nay của Đại Hội đồng LHQ, và nhà ngoại giao Na Uy Terje Roed-Larsen, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Trung Đông.

Như vậy, vấn đề người kế nhiệm ông Kofi Annan hiện nay chưa có gì rõ ràng mặc dù thời gian lựa chọn không còn nhiều. Những người am hiểu nội tình LHQ dự đoán rằng rất có thể đến phút cuối cùng sẽ xuất hiện một nhân vật thỏa mãn được tất cả các nước, trước hết là 5 nước thành viên thường trực HĐBA, về tiêu chí địa lý và nghề nghiệp.

Nhân vật đó có thể là cựu Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Dervin, người đã tạo ra “phép lạ kinh tế Thổ” và hiện nay là người đứng đầu Chương trình phát triển LHQ.

Còn nếu muốn thấy một phụ nữ trên cương vị Tổng Thư ký LHQ thì có lẽ ứng cử viên thích hợp hơn cả là bà Luise Arbur, người Canada, hiện nay là Cao ủy LHQ về quyền con người. 

Nhưng dù nhân vật nào làm Tổng Thư ký khóa tới của LHQ thì người đó cũng sẽ phải gánh vác một trách nhiệm đặc biệt nặng nề.

Bởi lẽ, tổ chức quốc tế này hiện đang đứng trước ngưỡng cửa những cải cách có tính chất bước ngoặt giữa lúc uy tín bị giảm sút nghiêm trọng do những vụ bê bối xung quanh Tổng Thư ký Kofi Annan và những chiến hữu gần gũi nhất của ông.

Đấy là chưa kể nhiều vấn đề cấp bách và nan giải của cộng đồng quốc tế.

 Vũ Việt (Theo “Sự thật thanh niên”)

Mỹ ngăn cản người châu Á trở thành Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc

Mỹ hiện có thái độ rất không thuận lợi cho việc một người châu Á trở thành TTK Liên Hợp Quốc. Ngày 3/11/2005, John Bolton, đại diện Mỹ tại Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố: Mỹ sẽ lựa chọn TTK Liên Hợp Quốc trên phạm vi toàn thế giới chứ không chỉ bó hẹp ở châu Á.

Ông ta nói: “Chúng ta phải lựa chọn nhân sự trên toàn thế giới, như thế chúng ta mới có không gian chọn lựa rộng rãi”. Ông ta còn nói, Mỹ muốn TTK khoá tới phải là người ngoài bộ máy LHQ hiện nay, người đó phải có tầm mắt quốc tế và kinh nghiệm chính trị, có như thế mới đem lại bầu không khí mới mẻ vào cho hệ thống LHQ.

Thái độ của Mỹ đã khiến các nước châu á rất bất bình. Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận châu á, Mỹ lại quay sang chơi “con bài phụ nữ”.

Đầu tháng 4 vừa qua, Bolton lại đánh tiếng về nhân sự của chức TTK Liên Hợp Quốc tương lai: Mỹ mong rằng tháng 7 tới đây sẽ xác định được ứng cử viên ghế TTK và phụ nữ cần có vị trí quan trọng hơn và vai trò lớn hơn.

Trước đó, ngày 8/3, phát biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, ông Annan đã nói: Thế giới đã chuẩn bị đầy đủ để đón chào một phụ nữ ngồi vào ghế TTK Liên Hợp Quốc.

Việc Bolton chơi con bài phụ nữ liệu có phải là hưởng ứng lời của ông Annan hay là một âm mưu có tính toán từ trước? TTK Liên Hợp Quốc khoá tới theo lẽ thường phải được trao cho một người châu Á.

Nếu Mỹ tỏ thái độ phản đối rõ rệt thì sẽ phải đối mặt với sự bất bình của người châu Á. Nhưng Mỹ không muốn để một người châu á ngồi vào ghế TTK, hay nói cách khác hiện nay châu Á không có ứng cử viên nào khiến Mỹ yên tâm. Để khỏi bị người châu á nổi giận, Mỹ liền lựa chọn con bài phụ nữ. 

MỚI - NÓNG