Ấn Độ & chiếc iPhone không nhãn mác

Ấn Độ & chiếc iPhone không nhãn mác
TP - Giàu hay nghèo thì tất cả người Ấn cũng ăn bốc (không dùng thìa dĩa, đũa, muôi…), cho dù ăn tiệc trong khách sạn sang trọng. Ăn bốc được coi như bản sắc, đem lại khoái cảm chân thực.
Ấn Độ & chiếc iPhone không nhãn mác ảnh 1

Chúng tôi đến TP Kolkata của Ấn Độ. Cảm giác đầu tiên là… thất vọng. Kolkata quá đông dân cư, người xe đi lại nườm nượp, khí hậu khô nóng và vô cùng nhiều bụi. Nhà cửa phố phường cũ kỹ, bẩn thỉu, đủ các mùi vị phả ra từ các ngõ phố mặc dầu không ít những biệt thự, building sang trọng.

Người ta bảo ở Ấn Độ khoảng cách giàu nghèo rõ rệt, người giàu sở hữu kim cương vàng bạc bậc nhất thế giới, người nghèo, nghèo đến mức ba ngày chưa có nổi một bữa ăn, con người chỉ còn là những cặp mắt lờ đờ vì thiếu đói.

Hiếu khách

Thức ăn Ấn đậm đặc mùi cà ry, quế, húng lìu. Bột mỳ nhào bằng tay đem nướng (tương tự bánh đa nướng ở ta) nhưng dẻo chứ không dòn, đem chấm với nước sốt, một loại nước sốt đặc trưng Ấn Độ được coi là loại ngon, dùng đãi khách quý. Bánh được nướng bằng phân bò khô, để dăm ba ngày không thiu mặc dù nhiệt độ ở đây luôn nóng như Sài Gòn.

Chúng tôi được dự một lễ duyệt binh. Mỗi binh chủng là một kiểu trang phục, dĩ nhiên, nhưng đã trang phục nhà binh thì dù thuộc binh chủng nào, mỗi người lính cũng có một chiếc khăn kẻ ca-rô quàng trên vai.

Trang phục của người Ấn rất đặc biệt: đàn ông nam mặc quần chùng áo dài (tương tự như liền anh quan họ ở ta), đàn bà dùng 6 mét lụa (hoặc tơ tằm, hoặc táp-ta) quấn quanh người làm thành một chiếc sari, từ tầng lớp sang trọng đến người lam lũ…

Ấn Độ & chiếc iPhone không nhãn mác ảnh 2

Người Ấn nói chung hiền hậu, chất phác, hiếu khách và nhiệt tình. Nhân ở đây có Hội chợ sách quốc tế, chúng tôi thấy gian sách của Việt Nam kề sát của Trung Quốc, cả hai đều khá nhỏ so với các gian sách khác ở Hội chợ này. Những người ở Hội Ấn Việt đã làm hết sức của họ để gian sách của Việt Nam có thêm đầu sách.

Cũng có người Ấn hỏi chúng tôi để mua những cuốn sách đó, song lượng sách mang đi chỉ đủ trưng bày. Tôi vô cùng ngạc nhiên về lượng sách tham gia Hội chợ và số lượt người đến Hội chợ cũng như về số sách người ta bán được ở đây. (Trong thâm tâm tôi cứ nghĩ nghèo như người Ấn thì tiền đâu mà mua sách, mua sách để làm gì).

Ngạc nhiên hơn nữa khi giao lưu với một lớp nữ sinh thuộc trường ĐH ở Kolkata chúng tôi thấy họ nói rằng văn hóa Việt và thơ Việt thú vị. (Những người học tới đại học ở Ấn Độ hầu hết đều sinh ra trong những gia đình khá giả, thừa hưởng nhiều di sản từ nền văn hóa thuộc địa Anh. Họ rất lịch duyệt và biết ngoại giao).

Hôm đó, sau giao lưu nói về văn học Việt Nam, bốn nữ sinh ăn mặc duyên dáng lên đọc ba bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh bằng bốn thứ tiếng: bắt đầu là Tiếng Anh, rồi đến tiếng Hindi, tiếng Bengaly, cuối cùng là tiếng Việt. Ông hiệu phó nói một bài, đại ý rằng ông rất ấn tượng về thơ Hữu Thỉnh, tính triết lý sâu sắc bên cạnh tình cảm tự nhiên được dồn nén trong ngôn ngữ thể hiện, nhất là nhạc điệu của thơ khi đọc bằng tiếng Việt v.v.

Ấn Độ & chiếc iPhone không nhãn mác ảnh 3

Hỏa thiêu trên sông Hằng

Rời Kolkata, chúng tôi đi ngược lên phía bắc Ấn, thăm bốn Tứ động tâm (Bốn thánh tích về cuộc đời của Đức Thích Ca Mầu ni Phật: Sinh ra, Tu hành đắc đạo, Chuyển Pháp luân, Nhập niết bàn). Không ít người tin rằng thăm được đủ Tứ động tâm con người sẽ trở nên hài hòa, được phù hộ… Tứ động tâm nằm rải rác ở những TP BodhGaya, Nepal và Ravanasi.

Ở Navanasi có sông Hằng chảy qua, đoạn này được người Ấn coi là linh thiêng nhất, hằng năm vào mùa lễ hội có tới hàng vạn người hành hương về đây. Người Hindu coi được chết bên sông Hằng, được hỏa thiêu ở chính đoạn sông có ngôi đền Hindu nổi tiếng này là hạnh phúc lớn nhất của đời người.

Chúng tôi đã đến, đã thuê thuyền đi trên mặt sông để chờ bình minh lên và chứng kiến cảnh thiêu người chết. Tang lễ rất giản dị, không có tiếng khóc, chỉ có chừng dăm thân nhân đi theo. Người chết nằm trên cái cáng phủ một lớp vải và một vòng hoa. Chừng 20kg củi, khoảng 150 ngàn tiền VN, với một chai dầu đặc hiệu cùng hai tiếng lửa cháy là hoàn tất hành trình về tro bụi của một thi thể. Thiêu xong, tro được hất xuống sông ngay đoạn thuyền của chúng tôi đỗ nhìn.

Nghe nói hàng ngày có tới hơn chục người được thiêu như thế, cộng với nước thải của thành phố nhưng tôi vẫn thấy nước sông Hằng trong xanh. Vẫn có hàng trăm người Hindu địa phương và những người da trắng từ nhiều nơi trên thế giới đổ về đang tắm. Có lẽ bởi bắt nguồn từ Hymalaya, dòng chảy của sông Hằng chảy đã cuốn trôi và rửa sạch tất cả.

Từ Delhi chúng tôi đi hơn 200km nữa đến thăm kỳ quan thứ Bảy của thế giới, khu lăng mộ nổi tiếng TajMahal của Hoàng đế người Hồi giáo thưở nào. TajMahal được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của Kiến trúc Môgôn, một phong cách tổng hợp các yếu tố của các phong cách Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hồi giáo.

Không chỉ khu lăng mộ chính bằng đá cẩm thạch bên trong khảm đá quý và đá bán quý, quần thể kiến trúc tại TajMahal còn bao gồm khu mộ của Timur, gọi là Gur-e Amir, các ngôi mộ của các bà vợ khác của Shah Jahan và ngôi đền Jama Masjid của chính ông vua này.

Mọi nơi trong vườn đều được bố trí những đường đi với các hàng cây và vòi phun nước. Các đoạn văn trên tường đền TajMahal được viết bằng một kiểu chữ rất đẹp nghe nói do một Khan tạo ra. Chúng được khảm bởi các loại đá quý như đá hoa và cẩm thạch.

Ở Kolkata cũng có hệ thống tàu điện ngầm nhưng ở New Delhi tàu điện ngầm vừa mới vừa đẹp và vừa sạch. Khi bước chân vào ga đầu tiên ở trung tâm New Delhi tôi đã ngờ ngợ, nhưng khi thăm những đền đài thành quách tráng lệ, cổ kính tôi như chợt hiểu, thì ra, người Ấn “thắt lưng buộc bụng” để làm những điều kỳ diệu này.

Ấn Độ & chiếc iPhone không nhãn mác ảnh 4
 

Chiếc iPhone không mã vạch

Nghe nói Ấn Độ là nước xuất khẩu và gia công phần mềm nổi tiếng thế giới, ở Ấn Độ ngoài tơ tằm, lụa Cát-sơ-mia, sữa bò ra thì những hàng công nghệ điện tử sẽ nhiều và rẻ cho nên chúng tôi định bụng tìm mua làm quà về Việt Nam những chiếc USB hoặc điện thoại cầm tay. Song, có thể là do đến không đúng chỗ, hôm ấy chợ điện thoại phải ngày thứ 2 đóng cửa, những nơi khác hầu hết là hàng “made in China”.

Theo chân một người sống lâu tại Delhi chúng tôi đến khu chợ xép, và ở đây tôi đã mua được chiếc iPhone, có hình quả táo cắn dở, mới tinh, mẫu mã hệt như chiếc iPhone ở nhà, có giá 12 triệu đồng. Chiếc iPhone này có phần mềm tiếng Việt, lại không dán “made in China”, giá bằng 1/6 ở nhà tôi sung sướng đến mức mấy ngày liền lúc nào cũng bỏ ra ngắm nghía.

Nhưng những người thạo tin bảo với tôi rằng, để xây dựng phần cứng, cơ sở hạ tầng tạo ra một nền công nghiệp điện tử thì không khó, đào tạo ra nhân tài mới khó. Người Ấn đã thành công trong việc đào tạo nguồn nhận lực trong ngành công nghệ phần mềm, nhiều công ty nước ngoài thành lập và mở rộng chi nhánh tại Ấn Độ.

Người ta không ngạc nhiên rằng khi gọi điện đến các công ty tư vấn ở Hoa Kỳ thì đầu dây lại được nối tới Ấn Độ, và người Ấn trả lời thỏa mãn những câu hỏi với nhiều lĩnh vực khác nhau của mọi thể loại khách hàng bằng thứ tiếng Anh chuẩn mực.

Ấn Độ có gần 1,2 tỷ dân với nhiều tôn giáo khác nhau, con số theo Ấn giáo lên tới hơn 80%, Hồi giáo 13%, Thiên chúa giáo 2,3 % và Phật giáo chỉ có 0,76 %... còn lại là các tôn giáo khác, người Ấn luôn có một vị thần trong đầu và ngày càng phát triển tinh thần hòa giải, mọi tranh đấu đều trên nền tảng của bất bạo động.

Tuy tuyệt đại đa số theo Ấn Độ giáo nhưng người Ấn gìn giữ các thánh tích của mọi tôn giáo như nhau. Họ coi các thánh tích đều thiêng liêng, đều là sản phẩm của trí tuệ, của văn hóa và thiên nhãn.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.