Ấn Độ đẩy mạnh hướng Đông, Việt Nam đóng vai trò then chốt

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Narendra Modi chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác song phương ngày 3/3. Ảnh: MEA
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Narendra Modi chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác song phương ngày 3/3. Ảnh: MEA
TPO - Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 3/3, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm tăng cường hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam có vai trò then chốt và vị trí ưu tiên trong chính sách này.

Sáng 3/3, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tổ chức long trọng tại Phủ Tổng thống với 21 loạt đại bác chào mừng, nghi thức cao nhất của Ấn Độ dành cho người đứng đầu Nhà nước.

Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi, Nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập kiệt xuất của nhân dân Ấn Độ và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Các biện pháp thương mại đột phá

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Modi đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ và sâu rộng của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sau hơn 45 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và tái khẳng định tình hữu nghị thắm thiết, bền chặt giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hai bên nhất trí triển khai đầy đủ các cam kết chính trị ở cấp cao, các văn kiện về khuôn khổ quan hệ chính trị đã thông qua; tích cực trao đổi, phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của hai nước để tiếp tục đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân.

Nhằm đạt mục tiêu thương mại hai chiều 15 tỷ USD vào năm 2020, hai nhà lãnh đạo nhất trí triển khai các biện pháp đột phá, trong đó chú trọng đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu hai bên có tiềm năng và thế mạnh; hạn chế các rào cản thương mại, tham vấn chặt chẽ về chính sách thương mại, mở rộng kết nối hàng không, hàng hải để tạo thuận lợi cho giao thương; nhất trí trao đổi các gói hỗ trợ phát triển trong các lĩnh vực có thể tạo đột phá, như về hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học - kỹ thuật; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam mong muốn đón thêm dòng đầu từ các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng, giáo dục, công nghệ thông tin…

Hai nhà Lãnh đạo khẳng định cần tăng cường nhận thức của thế hệ trẻ đối  với mối liên hệ lâu đời về văn hóa, tôn giáo giữa hai nước, thúc đẩy giao lưu nhân dân, kết nối và hiểu biết lẫn nhau. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Ấn Độ tài trợ triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích Mỹ Sơn và dự kiến tiếp tục hỗ trợ bảo tồn, trung tu các nhóm tháp Chăm tại Ninh Thuận. 

Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác quốc phòng-an ninh, nhất là về đào tạo tiếng Anh, xây dựng năng lực, huấn luyện kỹ năng, chuyển giao công nghệ, cấp tín dụng ưu đãi và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm chính thức Việt Nam trong năm 2018; cảm ơn và đánh giá cao Ấn Độ luôn dành ưu tiên cao trong lĩnh vực này cũng như việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc (LHQ).

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Ấn Độ Modi nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC). 

Thủ tướng Modi khẳng định, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm tăng cường hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam có vai trò then chốt và vị trí ưu tiên trong chính sách này. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong ứng cử vào các cơ quan quan trọng của LHQ, chia sẻ các sáng kiến về những vấn đề toàn cầu hiện nay nhằm thúc đẩy đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.

Ký 3 văn kiện hợp tác

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Modi chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác được ký kết nhân dịp này, gồm: Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ấn Độ về hợp tác kinh tế, thương mại; Kế hoạch Hành động về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2018-2020; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu.

MỚI - NÓNG