Ấn Độ đề nghị nối lại đàm phán với Pakistan

Ấn Độ đề nghị nối lại đàm phán với Pakistan
TPO - Ngày 04/2, Ấn Độ đã  đề nghị nối lại các cuộc  đàm phán song phương với Pakistan – vốn bị đình trệ  kể từ cuộc tấn công khủng bố  đẫm máu tại Mumbai gần 15 tháng trước đây.

Ấn Độ đề nghị nối lại các cuộc thảo luận giữa hai ngoại trưởng về khủng bố và nhiều vấn đề khác. Đáp lại, Pakistan đã hoan nghênh đề nghị của Ấn Độ.

Ấn Độ và Pakistan đã bắt đầu các cuộc đàm phán từ năm 2004 nhằm giải quyết các bất đồng giữa hai nước, trong đó có cả khu vực tranh chấp Kashmir.

Tháng 11/2008, sau vụ khủng bố tại Mumbai làm 166 người thiệt mạng, Ấn Độ đã ngay lập tức ngừng các cuộc đàm phán hòa bình với Pakistan. New Delhi cáo buộc nhóm khủng bố Lashkar-e-Taiba có trụ sở tại Pakistan là thủ phạm của vụ khủng bố trên.

“Vấn đề chống khủng bố sẽ được đưa ra cùng với những quan tâm khác của hai nước nhằm tạo bầu không khí hòa bình và an ninh.”, một quan chức Ấn Độ nói về đề nghị nối lại đàm phán. Tuy nhiên, quan chức này không tiết lộ thời gian sẽ diễn ra các cuộc đàm phán.

Về phía Pakistan, Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi đã hoan nghênh đề nghị đàm phán của Ấn Độ và gọi đây là “một bước đi tích cực.”

Ngoại trưởng Qureshi cho rằng, các cuộc đám phán song phương nên được nối tại từ những vấn đề đã bị bỏ dở sau cuộc tấn công khủng bố tại Mumbai.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy quan hệ song phương đang tan băng là việc Bộ trưởng phụ trách an ninh nội địa của Ấn Độ Palaniappan Chidambaram thông báo sẽ tham gia một cuộc họp khu vực được tổ chức tại Islamabad vào ngày 26/2 tới đây.

Ông Chidambaram sẽ là quan chức cấp cao nhất của Ấn Độ tới thăm Pakistan kể từ sau vụ tấn công Mumbai, mặc dù thủ tướng hai nước đã có những cuộc gặp không chính thức bên lề các cuộc hội nghị quốc tế.

Linh Huy
Theo AP, Reuters

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.