Ấn Độ trục xuất 2 cán bộ ngoại giao Pakistan vì cáo buộc bao che gián điệp

Ấn Độ và Pakistan thường xuyên căng thẳng vì tranh chấp biên giới. (Ảnh: Reuters)
Ấn Độ và Pakistan thường xuyên căng thẳng vì tranh chấp biên giới. (Ảnh: Reuters)
TPO - Hai cán bộ làm việc tại Cao ủy Pakistan ở New Delhi sẽ trục xuất vì “bao che cho các hoạt động do thám”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết hôm 31/5. Pakistan gọi cáo buộc này là “không có cơ sở”.

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng vốn đã nghiêm trọng vì tranh chấp ở vùng Kashmir trên dãy Himalaya, khu vực phân chia hai nước từ năm 1947, sau khi giành được độc lập từ Anh. 

“Chính phủ đã đưa ra tuyên bố cả hai đều không được hoan nghênh vì bao che cho những hoạt động không tương thích với địa vị thành viên của một phái đoàn ngoại giao”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một thông cáo. 

Hai quan chức đó sẽ phải rời khỏi Ấn Độ “trong vòng 24 giờ đồng hồ”. Đại biện Pakistan đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những cáo buộc này. 

Bộ Ngoại giao Pakistan nói rằng họ “phản đối mạnh mẽ những cáo buộc vô căn cứ của Ấn Độ” và gọi đây là “sự vi phạm rõ ràng Công ước Vienna...đặc biệt trong bầu không khí vốn đã không thuận lợi”. 

Kashmir là nguồn cơn gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia này sau khi New Delhi hủy bỏ quy chế bán tự trị cho vùng đất có đa số người dân theo đạo Hồi. Để đáp trả, Islamabad hồi đó nói rằng họ sẽ triệu hồi đại sứ tại Delhi và trục xuất đại diện ngoại giao của Ấn Độ. 
Cuối ngày 31/5, Pakistan triệu đại biện Ấn Độ đến để phản đối lệnh trục xuất. 

Vụ trục xuất hôm 31/5 diễn ra sau khi một tòa án Đức hồi đầu tháng 5 tuyên bố sẽ xét xử một công dân Ấn Độ với tội danh do thám các cộng đồng người Sikh và Kahsmiri cho mật vụ new Delhi.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang có tranh chấp căng thẳng với hai nước láng giềng khác là Trung Quốc và Nepal. 

Hàng trăm binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng trên vùng Ladakh, khu vực giáp với Tây Tạng của Trung Quốc. 

New Delhi đã khước từ đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc làm trung gian hòa giải. 

Hồi giữa tháng 5, chính phủ Nepal đưa ra một bản đồ chính trị mới, bao gồm cả vùng đất có tầm quan trọng chiến lược mà nước này đang có tranh chấp với Ấn Độ. 

Bản đồ được đưa ra sau các cuộc biểu tình ở Nepal để phản đối nước láng giềng Ấn Độ khánh thành con đường dài 80km ở bang Uttarakhand dẫn đến khu vực tranh chấp. 

Theo theo CNA
MỚI - NÓNG