Ấn Độ, Trung Quốc điều động quân đội đến biên giới tranh chấp

Một khu vực biên giới Trung - Ấn (Ảnh minh họa: The Nation)
Một khu vực biên giới Trung - Ấn (Ảnh minh họa: The Nation)
TPO - Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã gấp rút triển khai thêm hàng trăm binh sĩ tới khu vực Thung lũng Galwan đang tranh chấp ở biên giới hai nước.

Theo Sputnik đưa tin ngày 19/5, Ấn Độ đã đưa thêm quân tới Thung lũng Galwan đang tranh chấp sau khi Trung Quốc tuyên bố khu vực này là lãnh thổ của mình và triển khai hàng trăm binh sĩ tới đây. Các nguồn tin cho biết quân tiếp viện đã được điều đến nhiều địa điểm như: Demchok, Chumar và Daulat Beg Oldie, Thung lũng Galwan.

Trước đó, tờ Global Times của Trung Quốc ngày 18/5 đưa tin Quân đội Giải phóng đã “khôi phục thành công hiện trạng” tại Thung lũng Galwan.

Lính biên phòng Trung Quốc cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới và thực hiện các động thái cần thiết nhằm đáp trả việc "xây dựng các cơ sở quốc phòng bất hợp pháp gần đây của Ấn Độ tại khu vực Thung lũng Galwan".

Căng thẳng giữa hai nước tại biên giới đã bắt đầu từ cuối tháng 4 khi binh lính Ấn Độ và Trung Quốc liên tục đụng độ trong quá trình tuần tra. Các cuộc đụng độ trở nên dữ dội hơn tại hồ Pangong Tso vào ngày 5-6/5.

Hơn 250 binh sĩ từ Ấn Độ và Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc ẩu đả trong quá trình tuần tra biên giới. Sau đó là đụng độ tại khu vực đèo Naku La, bang Sikkim vào ngày 9/5.

Nhiều binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ bị thương sau vụ đụng độ giữa lực lượng hai bên tại đèo Naku La, bang Sikkim của Ấn Độ hôm 9/5. Nguồn: India Today

Kể từ đó, hai bên đã bắt đầu triển khai thêm quân đội một cách hung hăng để chiếm lấy thung lũng Galwan.

Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ Manoj Mukund Navrane đã nói rằng những thương tích nhỏ mà quân đội phải chịu là do hành vi hung hăng của cả hai bên.

Ấn Độ, Trung Quốc điều động quân đội đến biên giới tranh chấp ảnh 1

Khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Ảnh Sputniks

Bắc Kinh đã thúc giục Ấn Độ gặp Trung Quốc để tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình biên giới,  tạo điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ song phương và hòa bình, ổn định khu vực biên giới.

Cuộc tranh chấp hiện tại giữa hai nước là dài nhất kể từ cuộc đình chiến 73 ngày tại Doklam năm 2017. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ trước đó đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp nhưng hai nước láng giềng có chung đường biên giới dài 4.000km này thỉnh thoảng vẫn xảy ra xung đột về chủ quyền lãnh thổ.

Theo Theo Sputnik, Time of India
MỚI - NÓNG