Anh đóng cửa, EU sẽ đưa ra tòa

Anh đóng cửa, EU sẽ đưa ra tòa
TP - Bộ trưởng 12 nước châu Âu, trong đó có Pháp, Đức và Đan Mạch đã phản đối việc Ủy ban châu Âu (EU) buộc Anh mở cửa cho di dân châu Âu. Tiếp sau Anh sẽ là một số nước châu Âu khác.

Các bộ trưởng đã hết sức tức giận trước lời đe doạ của EU rằng sẽ đưa Vương quốc Anh ra tòa vì qui định hạn chế người nước ngoài vào Anh. Họ cho rằng đây là quyết định hết sức vô lý của EU. Với quyết định này, Anh có thể sẽ phải chi trả thêm 2,5 tỉ bảng Anh tiền phúc lợi xã hội mỗi năm.

Anh mở trước

Theo luật hiện nay tại Anh, di dân châu Âu muốn nhận được tiền trợ cấp của Anh thì phải là người đã từng làm việc Anh trước đây hoặc phải có cơ hội tìm được việc làm. Bộ trưởng Việc làm và Lương hưu của Anh Iain Duncan Smith cảnh báo rằng, động thái này chỉ là một ví dụ gần nhất cho thấy khát vọng không thể hiểu nổi của thể chế châu Âu nhằm giành lấy quyền lực từ các nghị viện các nước. Tranh cãi bắt nguồn khi các bộ trưởng châu Âu tham dự một cuộc họp thường niên tại Manchester, Anh ngày 29-9 vừa qua.

Đêm 30-9, cựu bộ trưởng nội các Anh John Redwood cho biết, vấn đề này cho thấy rằng Bộ trưởng ngoại giao William Hague nên vào bàn đàm phán với các lãnh đạo EU để giành lại quyền lực trở lại cho nước Anh. Phần lớn cử tri Anh muốn có hiệp định thương mại nhưng không muốn bị EU can thiệp vào công việc nội bộ của mình.

Ủy ban châu Âu tại Brussels cho Anh thời gian hai tháng để tranh luận về qui định này và cho biết nếu không bãi bỏ việc hạn chế di dân châu Âu nhập cư vào Anh, có nghĩa là Anh đã vi phạm nhân quyền của các công dân châu Âu. Sự thay đổi này cũng mang lại lo ngại rằng hàng vạn công dân Đông Âu sẽ tràn vào Anh sau khi các qui định khắt khe hiện nay bị dỡ bỏ. Bởi lẽ, chế độ trợ cấp ở các nước phương Tây cao hơn so với các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu. Chẳng hạn, một người bị thất nghiệp hơn ba tháng ở Ba Lan sẽ được nhận trợ cấp xã hội là 110 bảng Anh/ tháng, nhưng nếu nhập cư vào Anh, họ sẽ được nhận 270 bảng/ tháng.

Chris Grayling, Bộ trưởng Việc làm Anh tiết lộ, sự tức giận ngày càng gia tăng trong số các chính phủ châu Âu. Ông cho biết sẽ đem vấn đề này ra bàn thảo tại cuộc gặp gỡ các bộ trưởng tại Brussel ba tuần tới.

Các đồng minh của Anh là các nước châu Âu thịnh vượng cũng đang lo lắng về việc ồ ạt làn sóng di dân từ các nước Đông Âu tràn sang nếu họ buộc phải thay đổi qui định cũ. Họ cũng phải đối mặt với việc tăng chi phí. Chẳng hạn như Pháp cũng đang áp dụng việc trả trợ cấp xã hội cho những di dân châu Âu đã từng làm việc ở đây ít nhất bốn tháng.

Trả lời BBC, Bộ trưởng Việc làm Anh Chris Grayling nói: “Có sự khác biệt giữa chúng tôi và EU về vấn đề này. Tôi không cho rằng một ai đó đến từ các nước EU khác sẽ được nhận trợ cấp xã hội chỉ đơn giản là quay trở lại Anh và nói rằng: Từ nay về sau tôi sẽ sống tại Anh”.

Còn ông Duncan Smith nói với Daily Mail rằng: “An ninh xã hội luôn được coi là trách nhiệm của mỗi quốc gia. Tuy nhiên bây giờ EU lại đang làm nó đảo lộn. Kế hoạch này có nguy cơ gây tình trạng lộn xộn ở nhiều quốc gia và chúng tôi sẽ phản đối đến cùng”.

Ủy ban châu Âu tại Brussels cho Anh hai tháng để thảo luận về qui định mở cửa này
Ủy ban châu Âu tại Brussels cho Anh hai tháng để thảo luận về qui định mở cửa này.

Tiếp theo sẽ là Pháp, Đức, Đan Mạch…

Tranh cãi bắt đầu từ ngày 30-9 khi chủ tịch EC Jose Manuel Barroso cho rằng Anh nhận được nhiều lời phàn nàn nhất về việc hạn chế di dân châu Âu. Do đó, qui định này sẽ được áp dụng ở Anh đầu tiên và sẽ mở rộng ra một số nước Tây Âu khác.

Đảng dân chủ tự do của Anh ủng hộ chính phủ trong việc phản đối kế hoạch này. Họ đã từ chối tham gia hội nghị Tories để phản đối việc mở rộng quyền lợi lao động cho các công dân châu Âu.

Ông Iain Duncan Smith cho biết, EU đang can thiệp và an ninh xã hội của Anh.

Cho tới nay, Anh đang bị đe dọa đưa ra tòa. Một quan chức EU còn cảnh báo, các nước khác sẽ là nước tiếp theo nếu vẫn còn đưa ra những qui định hạn chế người nhập cư châu Âu.

Báo chí Anh cho rằng đây là một ý tưởng tồi. Nó là một qui định có vẻ như quan tâm tới các công dân châu Âu đã từng làm việc và đóng thuế tại Anh, nhưng lại tăng gánh nặng xã hội cho nước Anh và rất có thể sẽ gây ra bất ổn cho an ninh xã hội Anh.

Một người bị thất nghiệp hơn ba tháng ở Ba Lan sẽ được nhận trợ cấp xã hội là 110 bảng Anh/ tháng, nhưng nếu vào Anh họ sẽ được nhận 270 bảng/ tháng.

Bích Hạnh
(Theo Reuters, Daily Mail)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG