ASEAN quan ngại Trung Quốc cải tạo ở biển Đông

Trung Quốc đang cải tạo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo quy mô lớn. Ảnh: Jane’s
Trung Quốc đang cải tạo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo quy mô lớn. Ảnh: Jane’s
TP - Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN hôm qua bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc cải tạo trên diện rộng ở khu vực tranh chấp thuộc biển Đông, cho rằng cộng đồng quốc tế cần nói với Trung Quốc rằng việc họ đang làm là sai.

“Hội nghị chia sẻ mối quan ngại mà một số bộ trưởng ngoại giao nêu ra về việc cải tạo đất ở biển Đông”, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói trong một thông báo đưa ra sau Hội nghị hẹp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các cuộc họp liên quan tại thành phố Kota Kinabalu của Malaysia từ ngày 27 đến 28/1.

“Việc chúng ta không hành động sẽ làm suy giảm sự đoàn kết của ASEAN, vì chúng ta không thể giải quyết theo một cách đoàn kết và thống nhất một vấn đề quan trọng ở chính sân sau của mình”, Ngoại trưởng Malaysia nói. Theo ông, cộng đồng quốc tế phải “nói với Trung Quốc rằng việc họ đang làm là sai, họ phải lập tức ngừng các hoạt động cải tạo”. 

Thông báo của ông Aman cũng kêu gọi ASEAN tăng cường nỗ lực đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) nhằm ngăn ngừa xung đột. Sau nhiều năm chịu sức ép, năm 2013, Trung Quốc đồng ý đối thoại với ASEAN về COC. Nhưng nhiều nhà phân tích nghi ngờ sự thật lòng của Trung Quốc. Họ cho rằng, nước này có thể tiếp tục trì hoãn trong khi tiến hành các hoạt động cải tạo trên biển Đông. 

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ mối quan ngại về những diễn biến gần đây trên biển Đông và nhấn mạnh rằng, ASEAN cần phát huy vai trò chủ đạo của Hiệp hội trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực. ASEAN cần tập trung thúc đẩy triển khai những biện pháp cụ thể theo hướng: Cụ thể hóa các biện pháp nhằm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, đặc biệt là Điều 5 về kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; đẩy nhanh quá trình đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được COC. Đồng thời, tiếp tục tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin, nhằm ngăn ngừa và quản lý các sự cố trên biển ảnh hưởng hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên biển Đông.

Malaysia mở rộng căn cứ tàu ngầm

Hôm 25/1, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein thông báo, nước này sẽ trang bị một hệ thống phòng không cho căn cứ hải quân RMN Kota Kinabalu để tăng cường khả năng phòng vệ, tạp chí Nhật Bản The Diplomat đưa tin.

Việc tăng cường khả năng phòng thủ cho RMN Kota Kinabalu được cho là dễ hiểu trong bối cảnh đây là căn cứ duy nhất có các cơ sở vật chất phục vụ 2 tàu ngầm lớp Scorpene của Hải quân Malaysia. Theo ông Hussein, Malaysia cũng phải đối mặt hàng loạt thách thức đối với lợi ích của mình như tranh chấp trên biển Đông, mối đe dọa từ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), tình hình an ninh ở bang Sabah…

Hôm qua, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN nói rằng, ASEAN cần phát huy vai trò quan trọng hàng đầu trong việc kịp thời xử lý những thách thức lớn hoặc khủng hoảng nảy sinh ở khu vực cũng như thông qua việc thiết lập các phương thức hoặc cơ chế phản ứng nhanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các diễn đàn, cơ chế do ASEAN giữ vai trò chủ đạo. Họ cũng ra tuyên bố lên án hành động bạo lực, tàn bạo của các tổ chức cực đoan ở Iraq và Syria.

MỚI - NÓNG