ASEAN và các đối tác quan ngại tình hình biển Đông

Phiên họp kín của ARF lần thứ 21 diễn ra ngày 10/8 tại Myanmar. Ảnh: Xinhua
Phiên họp kín của ARF lần thứ 21 diễn ra ngày 10/8 tại Myanmar. Ảnh: Xinhua
TP - Ngày 10/8, ASEAN và các đối tác bày tỏ quan ngại trước những “căng thẳng tăng cao” ở biển Đông và kêu gọi tăng cường đối thoại với Trung Quốc. Trước đó, Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 47 khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN thúc giục các bên liên quan kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình, làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.


“Chúng tôi nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng về cam kết chung của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, tin cậy lẫn nhau trong khu vực, và sự cần thiết tạo lập các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Chúng tôi nhất trí tăng cường tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) một cách tổng thể, nhất là Điều 4 và Điều 5, cũng như đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)”, Thông cáo viết. 

Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đà tham vấn và khẩn trương làm việc nhằm sớm đạt được COC, đồng thời giao các quan chức làm việc với phía Trung Quốc hoàn tất về các mục tiêu và cấu trúc cũng như cụ thể hóa các thành phần của COC, bao gồm các thành tố cụ thể nhằm thúc đẩy tin cậy và lòng tin, ngăn chặn, quản lý sự số. “Chúng tôi cũng giao các quan chức xây dựng các biện pháp “thu hoạch sớm” liên quan”, Thông cáo viết.

Ngày 10/8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 47 và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác, tiếp tục diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với Úc và với New Zealand, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 4 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF-21). 

Tại các hội nghị, các nước tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng vừa qua ở biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; do đó, cần phải nỗ lực bảo đảm không để tái diễn các sự việc tương tự. 

Các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các bộ trưởng nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong DOC, trước hết là quy định tại Điều 5 của DOC về thực hiện kiềm chế, không được có hành động gây bất ổn định và làm phức tạp tình hình, yêu cầu cần đẩy mạnh thương lượng thực chất để sớm đạt được COC.

Bước thụt lùi của Trung Quốc

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận xét, Thông cáo chung lần này là mới và chỉ trích mạnh mẽ những hành động gần đây của Trung Quốc. 

“Ngôn ngữ của Thông cáo cho thấy bước lùi đáng kể của những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chơi trò câu thời gian và thay đổi chủ đề”, một quan chức Mỹ nói. 

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng, các cuộc đối thoại riêng của quan chức ngoại giao ASEAN thể hiện một sự quan ngại “cao chưa từng thấy” trước những hành động của Trung Quốc. 

Mỹ sử dụng ARF-21 với sự tham gia của 27 quốc gia tại Myanmar lần này để kêu gọi một lệnh cấm những hành động như việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5. “Chúng ta cần phối hợp cùng nhau để quản lý các căng thẳng ở biển Đông và quản lý chúng một cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói. 

Bắc Kinh hôm 9/8 cho rằng, chỉ có DOC liên quan cách các quốc gia cư xử trên biển Đông và bất kỳ đề xuất cạnh tranh nào cũng sẽ làm hại đến lợi ích của Trung Quốc và ASEAN. Đó là thông điệp do Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra sau khi đề xuất ngừng các hành động gây hấn ở các vùng biển tranh chấp từ phía Mỹ không nhận được ủng hộ nồng nhiệt tại ARF-21.

“Ai đó đang nói quá lên hay thậm chí thêu dệt lên cái gọi là căng thẳng trên biển Đông”, ông Vương Nghị nói trong cuộc họp báo bộ trưởng tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar hôm 9/8. 

TS Shi Yinhong, giáo sư ngành luật quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng, phát biểu của ông Vương Nghị là nhằm bác bỏ kế hoạch của Mỹ tại hội nghị lần này. 

“Ông Kerry cho thấy rất rõ rằng, Mỹ muốn trở thành bên trung gian, và điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được với Trung Quốc”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời GS Shi. 

Ông Shi cho rằng, Bộ trưởng Vương Nghị cố nói rõ quan điểm của Trung Quốc là không chấp nhận đối thoại đa phương để giải quyết tranh chấp chủ quyền, nhưng có thể đồng ý đàm phán các vấn đề liên quan quyền hàng hải và vùng đặc quyền kinh tế thông qua ARF.

Ngày 10/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Úc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop. Hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao; tiếp tục đẩy mạnh các cơ chế hợp tác song phương hiện có, trong đó có việc tiến hành Đối thoại Chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng cấp Thứ trưởng trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG