ASEM ra tuyên bố về chống khủng bố

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN.
TP - Vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở thành phố Nice của Pháp đã phủ nỗi buồn xuống Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 11 (ASEM 11) khai mạc vào sáng 15/7, tại Ulaanbaatar, Mông Cổ. 

Để thể hiện sự quyết tâm chống khủng bố, các nhà lãnh đạo ASEM đã chính thức thông qua “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEM về chủ nghĩa khủng bố quốc tế”, trong đó khẳng định cam kết chung tay chống khủng bố, bảo vệ cuộc sống người dân vô tội.

Khủng bố là hành động tàn bạo, hèn nhát

Ngay trong phiên khai mạc ASEM 11, các nhà lãnh đạo ASEM đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ khủng bố ở thành phố Nice của Pháp. Các nước tham dự Hội nghị cũng bày tỏ chia buồn sâu sắc với chính phủ và nhân dân Pháp về những tổn thất to lớn do vụ khủng bố gây ra và cam kết cùng hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố.

Để thể hiện sự quyết tâm đó, các lãnh đạo ASEM đã ra tuyên bố về chống khủng bố. Tuyên bố khẳng định, những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của châu Á và châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, và Tổng thư ký ASEAN lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố tàn bạo và hèn nhát. Tuyên bố cũng bày tỏ sự cảm thông, chia buồn sâu sắc đến các gia đình của các nạn nhân, nhân dân và chính phủ các quốc gia khác nhau đã bị tấn công khủng bố.

Trong các cuộc tiếp xúc và phát biểu tại Hội nghị, cũng như các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo các nước cùng lên án mạnh mẽ vụ tấn công tại Pháp. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thì  cho rằng, hôm nay là một ngày buồn đối với Pháp và cả châu Âu. Đây là một thảm kịch xảy ra đúng vào thời điểm người dân Pháp đang tham gia các hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh. Người dân châu Âu luôn sát cánh bên gia đình của những nạn nhân, người dân Pháp và cuộc chiến của chính phủ Pháp chống lại các  hành động tấn công bạo lực.

Còn tại cuộc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean Marc Ayrault, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và nhân dân Pháp cùng gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố vừa xảy ra tại thành phố Nice và mong muốn nhân dân Pháp sớm vượt qua thời khắc khó khăn này.

Bảo đảm an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông

Trong khuôn khổ Hội nghị ASEM 11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila, Tổng thống Thụy Sĩ Johann Schneider Ammann, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte…

Trong các cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEM cũng đã trao đổi về hợp tác giữa hai châu lục cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông. Các nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông

Tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Shinzo Abe về lời mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản tháng 5/2016. Thủ tướng đề nghị Nhật Bản ủng hộ Việt Nam được tiếp cận vốn ưu đãi IDA và có thời gian chuyển đổi phù hợp. Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam và sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Nhật Bản triển khai hiệu quả các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư Đức sớm chuẩn bị đón đầu các cơ hội Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, ngày càng tăng cường sự hiện diện và lọt vào tốp các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi để Đức tăng đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, năng lượng xanh và tái tạo, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần. Thủ tướng Angela Merkel đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho Đại học Việt - Đức và mong muốn hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất về “Hai thập kỷ quan hệ đối tác: Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua hai thập kỷ ASEM đã khẳng định và đang thực hiện tầm nhìn chiến lược về hợp tác và liên kết quốc tế; trở thành diễn đàn kết nối, liên kết đa tầng nấc giữa các quốc gia, các nền văn minh và gắn kết các doanh nghiệp, người dân hai châu lục Á – Âu vì hòa bình và phát triển. Trước những cơ hội và thách thức mới trong cục diện thế giới, ASEM cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác và hướng tới tầm cao mới trên toàn cầu về đối thoại và hợp tác trong thế kỷ 21, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở hai châu lục và thế giới. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và tiếp tục ưu tiên cao đóng góp vào nỗ lực chung nâng tầm hợp tác ASEM, thúc đẩy kết nối các nền kinh tế Á – Âu thông qua Cộng đồng ASEAN, các quan hệ đối tác và các cơ chế hợp tác, liên kết song phương, đa phương hiện có.

MỚI - NÓNG