Australia 'sẽ phải sống với Covid-19 ít nhất 6 tháng', hơn nửa dân số Mỹ phải ở nhà

Xếp hàng trước Bệnh viện Royal Melbourne, Australia để xét nghiệm coronavirus. Ảnh: New Daily.
Xếp hàng trước Bệnh viện Royal Melbourne, Australia để xét nghiệm coronavirus. Ảnh: New Daily.
TPO - “Chúng ta sẽ phải sống với loại virus này (coronavirus mới) trong ít nhất 6 tháng”, Thủ tướng Australia ngày 24/3 nói sau khi thông báo các biện pháp cách ly xã hội mới, bao gồm cấm đám cưới hơn 5 người, đám ma hơn 10 người… Trong khi đó, tính đến cuối ngày hôm nay, 55% dân số Mỹ phải ở nhà.

Thủ tướng Scott Morrison thông báo, Australia cấm người dân đi nước ngoài, phù hợp với cảnh báo đi lại mức 4 “Không đi lại” và Đạo luật An ninh sinh học năm 2015, CNN đưa tin sáng 25/3.

“Cần ưu tiên cao nhất cho các biện pháp cách ly xã hội”, Thủ tướng Australia thông báo.

Ông đưa ra các biện pháp giữ khoảng cách xã hội nghiêm ngặt hơn, bao gồm cấm đám cưới hơn 5 người, đám ma hơn 10 người, 1 người trong 4 mét vuông, hoặc cách nhau ít nhất 1,8 mét.

Ngày 24/3, Australia ghi nhận thêm 429 bệnh nhân Covid-19, nâng tổng số lên 2.252 với 8 người tử vong, theo Bộ Y tế nước này.

Australia 'sẽ phải sống với Covid-19 ít nhất 6 tháng', hơn nửa dân số Mỹ phải ở nhà ảnh 1 Một chiếc máy bay của hãng hàng không Qantas tại sân bay Sydney, Australia ngày 25/3. Ảnh: Getty.

Mỹ có thể trở thành tâm dịch mới, 55% dân số ở nhà

Các ca nhiễm coronavirus mới tiếp tục tăng ở Mỹ nên nước này có thể sẽ trở thành tâm chấn tiếp theo của đại dịch toàn cầu Covid-19, bà Margaret Harris, người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói với các phóng viên hôm qua.

Phóng viên hỏi: “Bà có cho rằng Mỹ sắp vượt qua châu Âu để trở thành tâm chấn của đại dịch?”.

Bà Harris đáp: “Hiện giờ chúng ta thấy số ca mắc ở Mỹ tăng rất mạnh nên nước này có tiềm năng trở thành tâm chấn”.

Người phát ngôn của WHO nói rằng, đa số ca mắc mới nhất trên thế giới là ở các nước châu Âu và Mỹ. “Có tới 85% ca mắc được ghi nhận trong 24 giờ qua đến từ khu vực châu Âu và Mỹ”, bà nói.

Theo người phát ngôn của WHO, nhiều nước đang áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để mọi người giữ khoảng cách, thực sự cách ly toàn xã hội và các biện pháp này là một cách quan trọng để hãm đà lây lan của virus, để các quốc gia có thêm thời gian ứng phó đại dịch.

“Nhưng để đánh bại virus, chấm dứt đại dịch, các nước cũng cần các chiến thuật mục tiêu thực sự mạnh, xét nghiệm mọi ca nghi nhiễm, cách ly và chăm sóc tất cả mọi người bị ốm, lần theo, tìm kiếm và cách ly tất cả trường hợp tiếp xúc gần”, bà Harris nói.

Tính đến cuối ngày 25/3 (giờ Mỹ), hơn nửa dân số Mỹ sẽ được yêu cầu ở nhà vì các bang đang gia tăng nỗ lực để kiềm chế Covid-19, CNN đưa tin.

Ít nhất 14 bang và 23 đô thị lớn đã ra lệnh cho 152 triệu người, tương đưowng 46% dân số Mỹ, ở nhà, theo dữ liệu do CNN tổng hợp.

Quy định bắt buộc người dân ở nhà của ít nhất 3 bang và 11 thành phố khác chuẩn bị có hiệu lực.

Khi tất cả quy định bắt buộc người dân ở nhà có hiệu lực, 180 triệu người, tương đương 55% dân số Mỹ, sẽ bị ảnh hưởng.

Đến nay, Mỹ ghi nhận ít nhấy 52.976 bệnh nhân Covid-19 và 704 ca tử vong. Hôm qua, 163 bệnh nhân ở Mỹ tử vong, con số tử vong cao nhất trong 1 ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, CNN đưa tin sáng nay.

Australia 'sẽ phải sống với Covid-19 ít nhất 6 tháng', hơn nửa dân số Mỹ phải ở nhà ảnh 2 Vắng lặng thành phố Chicago của Mỹ ngày 24/3. Ảnh: AP.
MỚI - NÓNG