Ba giả thuyết về nguyên nhân máy bay Nga rơi ở Biển Đen

Một máy bay Tu-154 của Nga. Ảnh: Reuters.
Một máy bay Tu-154 của Nga. Ảnh: Reuters.
Việc máy bay Nga rơi sau khi cất cánh 7 phút và không phát tín hiệu khẩn cấp đặt ra nghi vấn về nguyên nhân gồm trục trặc kỹ thuật, lỗi con người, thậm chí khủng bố.

Máy bay Tu-154 của Bộ Quốc phòng Nga rơi xuống Biển Đen ngày 25/12, 7 phút sau khi cất cánh từ sân bay ở thành phố Sochi, toàn bộ 92 người trên khoang thiệt mạng. Theo truyền thông Nga, vụ việc xảy ra khi máy bay đang tăng độ cao. Tuy nhiên, phi hành đoàn đã không gửi tín hiệu khẩn cấp.

Trang Rbth đánh giá có ba giả thuyết về nguyên nhân khiến máy bay rơi.

Trục trặc kỹ thuật

Theo người đứng đầu Hiệp hội Hàng không dân dụng Aeroflot Viktor Gorbachev, máy bay có thể bị mất điện.

"Chắc hẳn phải có vấn đề gì đó với động cơ. Chúng tôi vẫn chưa biết vấn đề đó là gì và rất khó suy đoán: có thể là vấn đề về nhiên liệu hoặc trục trặc động cơ. Cất cánh dĩ nhiên là thời điểm khó nhất trong chuyến bay. Máy bay có thể đã không có đủ năng lượng hoặc tốc độ, khiến nó mất kiểm soát và rơi xuống đất", chuyên gia này nói.

Máy bay Tu-154 được sản xuất vào năm 1984. Nó được sửa chữa lần gần đây nhất vào năm 2014 và được bảo trì trong tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, theo ông Gorbachev, tuổi tác của máy bay không phải là vấn đề.

"Trên thế giới có những máy bay hoạt động 30, 50, thậm chí là 60 năm trở lên. Trong trường hợp này, tuổi tác máy bay không quan trọng. Chiếc phi cơ đạt tiêu chuẩn an toàn bay, nó đáp ứng tất cả yêu cầu", chuyên gia nói thêm.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều có cùng quan điểm. Một chuyên gia quân sự của TASS, đại tá nghỉ hưu Viktor Litovkin, chỉ ra rằng không giống như máy bay chiến đấu, đội máy bay dân sự thuộc quyền sử dụng của Bộ Quốc phòng Nga không ở trong điều kiện tốt nhất.

"Phần lớn máy bay dân sự của Bộ Quốc phòng Nga là máy bay Tu-154 sản xuất từ thời Liên Xô. Vì ngành công nghiệp sản xuất máy bay gần như bị phá hủy trong những năm 1990, không có máy bay hành khách và vận tải quân sự mới được sản xuất trong nhiều năm qua", chuyên gia này nói.

Bộ Quốc phòng Nga không muốn mua máy bay dân sự nước ngoài nên họ không có gì để thay thế Tu-154, ông nói thêm.

Lỗi con người

Cơ trưởng Tu-154 là phi công cấp 1 (tức cấp cao nhất) Roman Volkov, với kinh nghiệm hơn 3.000 giờ bay, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

"Phi hành đoàn này là một trong những đội ngũ giàu kinh nghiệm nhất. Họ đã vài lần dẫn đầu việc vận chuyển các máy bay Su-30, Su-35 và Su-24 đến căn cứ không quân Hmeimim, cũng trên chính chiếc máy bay gặp nạn", một nguồn tin an ninh cho biết.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng cuộc điều tra vẫn sẽ xem xét giả thiết do lỗi con người. "Không có giả thiết nào được loại trừ, ngay cả lỗi của phi công", Litovkin nói.

Khủng bố

Một số chuyên gia chỉ ra sự tương đồng giữa vụ tai nạn Tu-154 và vụ nổ trên máy bay chở khách Airbus 321-231 trong hành trình từ Sharm-el-Sheikh đến St. Petersburg ngày 30/10/2015.

Khủng bố đã đặt một quả bom ở phần đuôi máy bay. Khoảng 20 phút sau khi cất cánh, máy bay phát nổ, rơi xuống từ độ cao vài nghìn mét.

Bi kịch lần này xảy ra 7 phút sau khi cất cánh.

"Điều kiện thời tiết thuận lợi. Nếu có bất kỳ vấn đề với máy bay hay động cơ, họ có thể đơn giản là quay đầu hoặc hạ cánh ngoài khơi. Trong khi đó, máy bay ở đây rơi một cách đột ngột, giống như có trường hợp khẩn cấp trên máy bay, khi một thứ gì đó phát nổ hoặc rơi xuống", người huấn luyện bay Andrei Krasnoperov nhận xét.

Trong các tình huống khác, phi công có thể đã thông báo cho kiểm soát viên không lưu về sự cố và gửi tín hiệu khẩn cấp. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra.

"Việc đó có nghĩa là điều gì đó bất ngờ đã xảy ra khi chuyến bay bắt đầu được 7 phút. Vì vậy, tôi không thể đổ lỗi cho phi hành đoàn và khi có một vấn đề kỹ thuật, nó hiếm khi xảy ra quá đột ngột. Đội cứu hộ thậm chí còn thấy một người đàn ông gần bờ biển bị thương bởi các mảnh vỡ rơi xuống. Điều đó cho thấy mảnh vỡ máy bay nằm rải rác, tức là máy bay có thể đã nổ tung trên không trung", phi công nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG