Ba mươi chưa phải là tết

Ba mươi chưa phải là tết
TP - Không lâu sau cuộc chiến về trần nợ và chính sách “bên miệng hố chiến tranh” liên quan thỏa thuận tránh vách đá tài chính, các nhà chính trị Mỹ lại tiếp tục đối đầu xung quanh việc cắt giảm ngân sách tự động sẽ có hiệu lực từ ngày 1-3, để ngăn núi nợ công ngày càng phình to.

> Ông Obama “mạnh miệng” hơn, “đau đầu” hơn
> Thoát vách đá, vướng nợ công

Đây là cuộc đối đầu mới nhất trong một loạt cuộc chiến tài chính, từ khi phe Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010 và quyết tâm làm cùn nhụt nghị trình hành pháp của Tổng thống Barack Obama thuộc phe Dân chủ, trong đó phải kể đến việc thu hẹp quy mô chính phủ, giảm chi tiêu công và giảm thuế.

Những đấu trí rồi thỏa hiệp vào phút chót giữa hai bên đến nay đã giúp Mỹ tránh được những kết cục trớ trêu như việc chính phủ phải đóng cửa vì hết ngân sách hoạt động, hoặc mất khả năng thanh toán vì bị Quốc hội từ chối nhu cầu tăng trần nợ.

Gần đây nhất, phe Cộng hòa cũng phải nhượng bộ vào phút chót để tránh cho nước Mỹ va phải vách đá tài chính, khi các biện pháp tăng thuế và giảm mạnh chi tiêu công đồng thời có hiệu lực hồi đầu năm.

Có lẽ vì vậy, phe Cộng hòa đang coi giờ là thời điểm “phục thù” và họ kiên quyết chỉ đồng ý cắt giảm chi tiêu của chính phủ liên bang, chứ không tăng thuế đối với người giàu xưa nay vẫn được coi là chỗ dựa về chính trị và tiền bạc của đảng Cộng hòa.

Tuy vậy, chính phe Cộng hòa cũng lúng túng chưa tìm ra giải pháp nào để tăng nguồn thu (trừ việc tăng thuế như đề xuất của phe Dân chủ), trong khi ngân sách bị giảm quá mạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đà phục hồi vẫn chưa ổn định của nền kinh tế Mỹ.

Trung tâm Chính sách lưỡng đảng có trụ sở tại Washington ước tính, việc tự động cắt giảm ngân sách nếu xảy ra đồng nghĩa với 1 triệu việc làm sẽ mất đi, tăng trưởng GDP của Mỹ vốn giảm 0,1% trong quý cuối năm ngoái có thể giảm tiếp 0,7%.

Có một lý do để tin rằng viễn cảnh u ám này khó xảy ra bởi phe Cộng hòa trong khi muốn giảm chi tiêu cho các chương trình xã hội thì lại khó chấp nhận việc giảm chi tiêu quốc phòng vốn chiếm phần lớn nhất.

Và họ cũng đang đứng trước áp lực bị coi là nguyên nhân gây ra sự bế tắc hiện nay nên sẽ phải xem lại.

Quốc hội Mỹ sẽ trở lại họp vào đầu tuần tới, tức là bốn ngày trước thời hạn chót 1-3, và giới quan sát cho rằng bốn ngày này đủ để hai bên một lần nữa viện đến chính sách nhượng bộ nhau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.