Bắc Cực ngày càng “nóng”

Xây dựng lực lượng ở Bắc Cực hiện là ưu tiên hàng đầu của Nga Ảnh: ARCTIC JOURNAL
Xây dựng lực lượng ở Bắc Cực hiện là ưu tiên hàng đầu của Nga Ảnh: ARCTIC JOURNAL
Căng thẳng dâng cao khi Nga, Canada, Đan Mạch, Na Uy và Mỹ đều tìm cách xác định tính pháp lý đối với các khu vực ở Bắc Cực

Theo hãng tin Tass, Bộ Tư lệnh Chiến lược Bắc Cực của Nga đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-12 với vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa ven biển Rubezh và pháo phòng không Pantsir-S1. Các chuyên gia bày tỏ sự quan ngại rằng với những tiện lợi về đường thủy và nguồn năng lượng rất lớn - chiếm khoảng 30% trữ lượng khí đốt thiên nhiên và 30% dầu mỏ trên thế giới - khu vực này có thể xảy ra cuộc chiến tranh lạnh mới.

Mối nguy chiến tranh lạnh

Mối quan tâm chủ yếu tập trung vào nguồn năng lượng trong khu vực. Đó là lý do vì sao các công ty Shell của Hà Lan, Arctic Oil & Gas của Mỹ và Gazprom của Nga đều bày tỏ tham vọng giành quyền khảo sát các khu vực khai thác ở Bắc Cực.

Trong khi cuộc tranh giành dầu mỏ và khí đốt đang nóng lên ở những khu vực tranh chấp, tàu thuyền các nước cũng lợi dụng vùng biển ở vùng cực để có một lộ trình tắt giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

“Có sự chồng chéo nào đó giữa chủ quyền các nước, mọi người đều thừa nhận điều đó” - ông Robert Huebert, trợ lý giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quân sự và Chiến lược tại Trường Đại học Calgary - Canada, nhấn mạnh.

Thực ra, các nước ngày càng quan tâm đến khu vực này chủ yếu do sự biến đổi khí hậu. Băng ở biển Bắc Cực năm 2012 đã giảm xuống đến mức thấp nhất kể từ khi các vệ tinh bắt đầu theo dõi vùng này cách đây hơn 4 thập kỷ. Nhiều nhà khoa học còn tin rằng đến giữa thế kỷ XXI, băng có thể hoàn toàn biến mất vào những tháng mùa hè.

Báo Deutsche Welle (Đức) đưa tin căng thẳng dâng cao khi Nga, Canada, Đan Mạch, Na Uy và Mỹ - các quốc gia xung quanh Bắc Cực - đều tìm cách xác định tính pháp lý đối với các khu vực ở Bắc Cực và khẳng định quyền đối với tài sản nằm ở đáy đại dương cũng như bảo vệ biên giới của mình. Năm quốc gia trên còn thể hiện nhiều tham vọng khác trong khi mỗi nước đều có quyền đối với 200 hải lý tính từ bờ biển phía Bắc của mình.

Phản ứng của Nga đối với kế hoạch mở rộng chủ quyền ở Bắc Cực của Canada là sự kiện đáng chú ý trong một loạt động thái của các nước cùng chia sẻ đường bờ biển dọc theo đại dương bao la ở vùng cực. Theo báo The Week, mở rộng hoạt động về quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin là câu trả lời trực tiếp dành cho Ngoại trưởng Canada John Baird sau khi ông này yêu cầu các nhà khoa học báo cáo lên Liên Hiệp Quốc rằng vùng cực Bắc thuộc về Canada.

Canada tuyên bố ý định mở rộng chủ quyền lãnh thổ đến tận cực Bắc mặc dù không có chứng cứ khoa học để hậu thuẫn cho khẳng định của mình. Trong một lần gặp gỡ Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard ở Copenhagen, ông Baird bày tỏ sự quan tâm trước hành động tăng cường tiềm lực quân sự của Nga ở Bắc Cực và sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình trong khu vực bằng các phương tiện quân sự. Đối với Canada, đó là ưu tiên về chiến lược.

Người Nga nhanh chân

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Canada không hài lòng về kế hoạch bố trí lực lượng quân sự của NATO ở Bắc Cực. Thủ tướng Steven Harper tuyên bố sự hiện diện của NATO sẽ tạo cho các nước ở ngoài Bắc Cực quá nhiều thế lực trong khu vực này.

Ông Konstantin Simonov, Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga, nhận định khả năng xảy ra xung đột giữa các nước Bắc Cực thấp hơn nhiều so với xung đột với các nước ngoài Bắc Cực đang giành quyền khai thác tài nguyên trong khu vực.

Với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ chưa được khai thác, Bắc Cực đang trở thành nơi tranh giành không chỉ giữa các nước có lãnh thổ ở Bắc Cực mà cả các nước ở ngoài khu vực, như Trung Quốc, Brazil và Anh. Trong khi các quốc gia bắt đầu khẳng định chủ quyền lãnh thổ ở Bắc Cực thì Nga đã nhanh chóng xây dựng sự hiện diện quân sự tại khu vực giàu tài nguyên này, tìm cách bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Khu vực Bắc Cực của Nga là phần diện tích lớn nhất trong số các quốc gia Bắc Cực, chiếm 21,6% lãnh thổ nước này, với 2,3 triệu cư dân. Nhà chức trách Nga khẳng định Bắc Cực là một trong những khu vực chiến lược chính của nước này, đồng thời cho biết đang cảnh giác trước mọi nỗ lực xâm phạm lãnh thổ.

Bộ Phát triển Khu vực nhận định có một số nguy cơ có thể xảy ra trên phần lãnh thổ Bắc Cực thuộc Nga. Cụ thể, trong khi các lực lượng nước ngoài có những cơ hội dễ dàng vượt qua biên giới Nga, nhân lực của Nga lại thiếu kinh nghiệm quân sự trong các điều kiện ở Bắc Cực, thiếu trang thiết bị và thiếu khả năng ứng phó tức thời trước sự xâm lược từ bên ngoài.

Do đó, bộ này đã đưa ra những biện pháp để triệt tiêu các mối đe dọa trên, bao gồm theo dõi không phận và các đường thủy cũng như chiến lược ngăn chặn trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Trong chương trình phát triển Bắc Cực đến hết năm 2020, Bộ Phát triển Khu vực Nga thừa nhận sự cần thiết phải cải thiện trang thiết bị quân sự trong bối cảnh khả năng xảy ra xung đột ở Bắc Cực đang gia tăng.

Theo báo The Moscow Times, gần đây, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga cần phải xây dựng năng lực quân sự trong khu vực để bảo vệ quyền lợi. Gặp gỡ giới chức Bộ Quốc phòng Nga, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Nga đang thám hiểm khu vực đầy triển vọng này một cách tích cực hơn và đang quay trở lại nơi này. Chúng ta phải có mọi cơ chế để bảo vệ an ninh và quyền lợi quốc gia tại đây”.

Cuối tháng 10, Giám đốc Trung tâm Quốc phòng Nga, Trung tướng Mikhail Mizintsev, đã thông báo kế hoạch xây dựng 13 sân bay, 1 cơ sở huấn luyện hàng không, 10 hệ thống radar kỹ thuật và các trạm kiểm soát không lưu ở Bắc Cực.

Theo Ngô Sinh

Theo Người lao động
MỚI - NÓNG