Bắc Kinh lại diễn bài vừa quân sự hóa vừa chỉ trích

Hai máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc hiện diện trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International
Hai máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc hiện diện trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International
TP - Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc vừa đưa hai máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn lớn tiếng chỉ trích các nước lên án hành động của họ.

Tiếp tục quân sự hóa

Những bức ảnh vệ tinh của hãng ImageSat International cho thấy hai máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 được đưa ra đảo Phú Lâm và các quan chức quốc phòng Mỹ đã xác nhận thông tin này, Reuters đưa tin hôm qua. Ảnh vệ tinh còn cho thấy rõ một hệ thống radar mới mà các chuyên gia lo ngại nó sẽ được sử dụng để giám sát máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay trinh sát của Mỹ khi hoạt động trong khu vực này để theo dõi các bước đi của Trung Quốc.

Tháng 2 năm nay, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đưa một số tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm. Sau đó, Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV chiếu cảnh nước này thử tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm.

Mỹ nói rằng, việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo có thể cản trở tự do đi lại trong vùng biển có thương mại vận tải trị giá hơn 5.000 tỷ USD mỗi năm. Trên các đảo nhân tạo đã có hệ thống radar, hải đăng và sân bay có thể tiếp nhận máy bay quân sự. Trung Quốc được dự báo sẽ có hành động gây hấn nếu Tòa trọng tài quốc tế sắp tới đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện của nước này chống lại Trung Quốc trong tranh chấp trên biển Đông, Bloomberg đưa tin ngày 13/4.

“Nếu tòa ra phán quyết không công bằng hoặc Mỹ sử dụng phán quyết đó để ủng hộ Philippines có hành động ở biển Đông, thì tôi tin rằng Trung Quốc sẽ có biện pháp bảo vệ lợi ích của mình và hình ảnh nước lớn của mình”, ông Wu Shicun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển Đông, nói tại cuộc họp báo hôm qua ở Bắc Kinh.

Hôm qua, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin, trang tin của quân đội Trung Quốc vừa đưa một nhóm phóng viên và độc giả Trung Quốc ra đảo Phú Lâm. Các phóng viên của PLA Daily và 3 người đạt giải thưởng dành cho độc giả của báo này được đưa ra hòn đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Trang tin cũng đăng tải nhiều bức ảnh kèm thông tin chi tiết về lựa chọn phương tiện đi lại và giải trí, bao gồm lặn biển, câu cá… tại quần đảo Hoàng Sa.

Trong bài phỏng vấn với China Economic Weekly (Tuần báo Kinh tế Trung Quốc) vào tháng trước, ông Lưu Tứ Quý, Chủ tịch tỉnh Hải Nam, nói rằng, chính quyền tỉnh này đang thúc đẩy ngành du lịch ra quần đảo Hoàng Sa và sẽ cho vận hành thường xuyên các tàu du lịch trong 5 năm tới. Giới chức Trung Quốc trước đó nói rằng, một ga hàng không đã được xây dựng và chuyến bay thẳng tới Bắc Kinh sẽ sớm được mở.

Vẫn lớn tiếng

Dù có nhiều hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc vẫn lớn tiếng chỉ trích các nước khác khi họ lên tiếng phản đối các hoạt động của Bắc Kinh trên biển Đông. Bắc Kinh hôm qua nói rằng họ vừa triệu tập các nhà ngoại giao của bảy nước công nghiệp phát triển G7 để phản đối tuyên bố của các ngoại trưởng G7, trong đó chỉ trích các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Hôm qua, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng, Trung Quốc làm rõ với các nhà ngoại giao về quan điểm của Bắc Kinh đối với vấn đề này.

Trung Quốc lâu nay vẫn bảo vệ quan điểm sai trái của họ rằng hoạt động bồi đắp, cải tạo đất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm trong quyền chủ quyền của họ và cáo buộc G7 xa rời nhiệm vụ bảo vệ nền kinh tế toàn cầu. Tuyên bố của các ngoại trưởng G7 đưa ra hôm 11/4 bày tỏ phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động “bắt nạt, ép buộc hay hành động đơn phương gây hấn nào có thể thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng” trên biển Đông và Hoa Đông.

Cũng trong cuộc họp báo hôm qua, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích Philippines tăng cường hiện diện quân sự trên biển Đông. Hiện nay, Mỹ vẫn đang từng bước đưa lực lượng đến Philippines để củng cố quan hệ quân sự sau khi hai nước đạt được thỏa thuận cho phép lính Mỹ đóng tại 5 căn cứ quân sự khắp Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua đến Philippines, Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Philippines đang tham gia tập cuộc trận chung Balikatan, với sự tham gia của khoảng 4.400 lính Mỹ và 3.000 quân Philippines. Dự kiến, ông Carter đến thăm một trong năm căn cứ quân sự của Philippines mà quân đội Mỹ đang tăng cường hiện diện, AP đưa tin.

“Nhiệm vụ của ông Carter là tái bảo đảm với Philippines rằng, họ được Mỹ hậu thuẫn về an ninh để theo đuổi cách tiếp cận dựa trên quy tắc, luật lệ nhằm giải quyết tranh chấp”, Reuters dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Patrick Cronin ở Viện An ninh Mỹ mới.

Bắc Kinh lại diễn bài vừa quân sự hóa vừa chỉ trích ảnh 1

Máy bay chiến đấu của Trung Quốc xuất hiện trái phép bên trên đảo Phú Lâm. Ảnh: China Daily

Các quan chức Mỹ nói rằng, tàu của Trung Quốc sẵn sàng áp sát tàu Mỹ đi vào khu vực tranh chấp, liên lạc giữa các tàu của hai phía đã trở nên khiêu khích hơn và đôi khi thiếu chuyên nghiệp, Reuters đưa tin. Năm nay, Mỹ sẽ cung cấp cho Philippines khoảng 40 triệu USD nhằm triển khai Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) trị giá 425 triệu USD kéo dài 5 năm. Số tiền đó sẽ được sử dụng để đào tạo nhân lực cho Trung tâm Giám sát bờ biển quốc gia Philippines, tăng cường chia sẻ thông tin mật giữa hai nước và mua các thiết bị cảm biến tốt hơn cho tàu tuần tra của Hải quân Philippines.

Việc nhanh chóng sử dụng các khoản tiền từ MSI có thể giúp Lầu Năm Góc đề xuất Quốc hội Mỹ chi thêm nhiều tiền hơn trong những năm tới và có thể mở rộng hỗ trợ cho Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan, ông Ernest Bower, Chủ tịch Ban tư vấn Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington, nhận định.

Reuters hôm qua dẫn nguồn tin quân sự Philippines nói rằng, quan chức quốc phòng Philippines và Việt Nam sẽ gặp nhau trong tuần này để thảo luận về khả năng tập trận và tuần tra chung.

Úc sẽ lên tiếng

Ngày 14/4, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9/2015. Dự kiến trong cuộc gặp lãnh đạo Trung Quốc ngày 15/4, Thủ tướng Úc sẽ cảnh báo Trung Quốc về việc xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa khu vực tranh chấp trên biển Đông, ABC News đưa tin. Ông Turnbull sẽ kêu gọi lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc khôi phục quan hệ rạn nứt với các nước láng giềng.

MỚI - NÓNG