Bài học từ thảm họa sóng thần Sumatra

Bài học từ thảm họa sóng thần Sumatra
Nếu các quốc gia bị nạn đều có hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần thì chắc chắn thiệt hại về người và của không đến mức nặng nề như đã thấy.
Bài học từ thảm họa sóng thần Sumatra ảnh 1
Người mẹ Ấn Độ

Thiên tai kinh hoàng như vụ thảm họa động đất sóng thần Sumatra khoảng trăm năm mới xảy ra một lần. Nhưng chỉ một lần như vậy cũng đã quá tàn khốc làm cho một khu vực rộng lớn của hành tinh bỗng chốc rơi vào cảnh khốn cùng. Trong nháy mắt, một bức tường nước cao hơn chục mét, dài hơn 160 km  từ ngoài khơi tiến sâu vào đất liền hàng trăm mét với tốc độ 900 km/giờ rồi đổ ập xuống các thành phố, làng mạc, cuốn ra biển tất cả những gì trên đường nước rút.

Buổi sáng 26/12, động đất ở ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia) gây ra sóng thần đã diễn ra như vậy, làm chết hơn 140.000 người ở hơn chục quốc gia trên hai châu lục Á - Phi. Từ Indonesia đến Sri Lanka, Ấn Độ,Thái Lan, và cả những quốc gia Đông Phi Tanzania, Somali cách tâm chấn hơn 1.000 km đâu đâu cũng thấy cảnh chết chóc, hoang tàn.

Chưa ai có thể đánh giá được hết thiệt hại về của do trận động đất sóng thần này gây ra. Con số người bị thiệt mạng do động đất sóng thần Sumatra tương đương số người chết do quả bom nguyên tử thứ nhất của Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Trận động đất sóng thần Sumatra trên thực tế chưa phải là lớn nhất về cường độ nhưng rõ ràng đó là vụ gây nhiều thiệt hại nhất về người và của trong lịch sử loài người.

 Ai cũng biết thảm họa thiên tai là quy luật vận động của tự nhiên không gì có thể cưỡng lại được, nhưng con người lại hoàn toàn có thể làm giảm bớt thiệt hại do nó gây ra. Trong vụ sóng thần Sumatra vừa qua, nếu các quốc gia bị nạn đều có hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần thì chắc chắn thiệt hại về người và của không đến mức nặng nề như đã thấy.

Một năm sau trận động đất sóng thần năm 1964 ở bang Alaska (Hoa Kỳ) hệ thống các trung tâm quan trắc cảnh báo sớm động đất và sóng thần đã được thiết lập tại các quốc gia ven bờ Thái Bình Dương. Hệ thống này có thể báo trước nguy cơ sóng thần từ 3 - 14 giờ đồng hồ. Một số nước có quan tâm lĩnh vực này như Pháp, Nga, Đức, Nam Mỹ cũng được mời tham gia. Rất tiếc, Ấn Độ và Sri Lanka đã không là thành viên chương trình hợp tác này. Vì vậy, tại khu vực Ấn Độ Dương người ta không đặt hệ thống cảm nhận sóng thần nào dẫn đến một số quốc gia bên bờ đại dương phải trả học phí đắt trong vụ thảm họa.

Có một điều mới được phát hiện qua đợt sóng thần Sumatra. Đó là trong khi người ở hơn chục quốc gia bị thiên tai cướp đi tính mạng thì các loài động vật được thả rông hoặc sống hoang dã gần như không bị chết. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy trước khi sóng thần Sumatra đổ vào đất liền ít lâu, từng đàn thú hoang dã hoặc gia súc gia cầm thả rông đều chạy lên hướng ngược chiều với biển. Nhiều đàn chim cũng bay sâu vào đất liền trong hoảng loạn.

Các chuyên gia động vật hoang dã ở Sri Lanka cho biết trong khi hơn 24.000 người bị thiệt mạng do sóng thần thì người ta không tìm thấy một con thú hoang hoặc gia súc nào bị chết. Những người cứu hộ không tìm thấy xác chết của các loài động vật từ những con lớn như voi cho đến những con nhỏ như thỏ, chuột tại vườn sinh quyển tự nhiên Yala National Park nổi tiếng của Sri Lanka. Điều này cũng được xác định tại Ấn Độ và Indonesia, nơi có nhiều thú hoang dã. Vấn đề là phải chăng các loài cầm thú có giác quan đặc biệt nhận biết được những nguy hiểm thiên tai đang đến gần? Nếu vậy tại sao con người không nghiên cứu hiện tượng này để có thể hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra?

Sau vụ thảm họa sóng thần Sumatra, cộng đồng quốc tế đã huy động lực lượng cứu hộ và viện trợ lớn chưa từng có trong lịch sử để giúp các nước bị tàn phá. Việc giải quyết hậu quả thảm hoạ này không chỉ là tìm kiếm và mai táng người chết mà còn phải cấp cứu người vừa thoát chết, xử lý môi trường bị ô nhiễm nặng, và khôi phục cuộc sống. Thực tế ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ nhiều người lúc đầu thoát chết do sóng thần nhưng lại thiệt mạng do đói, khát, bệnh tật. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chữ thập Đỏ Quốc tế đã cảnh báo số người thiệt mạng do bệnh dịch sau sóng thần Sumatra có thể  lên đến hơn 200.000 người, gấp 2 lần số người chết do động đất, sóng thần. Đối với mỗi quốc gia, việc chuẩn bị sẵn các phương tiện và lực lượng cứu hộ trong trường hợp thảm họa là bài học quí giá.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.