Băn khoăn giữa Tết và Lễ Tình nhân

Băn khoăn giữa Tết và Lễ Tình nhân
TPO - Ngày mùng 1 Tết Âm lịch năm nay trùng với Ngày Lễ Tình nhân ( Valentine's Day), 14 - 2, nhiều người trẻ Trung Quốc phải "đau đầu" chọn lựa giữa việc sum họp gia đình hay ở bên người yêu dấu.
Băn khoăn giữa Tết và Lễ Tình nhân ảnh 1

Người trẻ Trung Quốc băn khoăn giữa Tết và Lễ Tình nhân. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Chen Xin - nhà phân tích kinh tế 27 tuổi - sống ở Jinan, thành phố Tế Nam - thủ phủ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tâm sự: "Theo truyền thống, tôi về quê sum họp gia đình trong ngày đầu năm Canh Dần. Nhưng thật đáng tiếc khi tôi phải trải qua Ngày Lễ Tình nhân mà không có người yêu ở bên".

Chen Xin cho biết thêm, quê anh và quê người yêu cách nhau tới 200 ki-lô-mét.

Tương tự Chen Xin, Zi Jia - 25 tuổi, cựu sinh viên trường Đại học Renmin ở Thủ đô Bắc Kinh - cũng cảm thấy không hạnh phúc khi một mình đón ngày lễ lãng mạn nhất trong năm.

"Tôi và bạn trai không thể ở bên nhau vào ngày Lễ Tình nhân, bởi cha mẹ bạn trai tôi muốn anh ấy ăn Tết ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Trong khi đó, tôi lại ở tỉnh Tế Nam".

Nhiều người trẻ Trung Quốc cũng rơi vào hoàn cảnh như Chen Xin và Zi Jia. Theo ông Ma Jiantang - người đứng đầu Cơ quan thống kê Quốc gia Trung Quốc, dân số "di động" của Trung Quốc lên tới 180 triệu người vào cuối năm 2009, trong số này có khoảng 150 triệu công nhân di trú.

Sự trùng hợp giữa Tết Âm lịch và Ngày Lễ Tình nhân được coi là một kiểu "đụng độ" văn hóa phương Đông và phương Tây, gây ra lựa chọn khó khăn cho các đôi trai gái trẻ.

Tuy vậy, hầu hết người trẻ Trung Quốc đều coi ngày Tết quan trọng hơn ngày Lễ Tình nhân. Theo một cuộc khảo sát do mạng Sina.com và MSN tiến hành từ ngày 29 - 1 tới ngày 8 - 2, 59% trong số 1.500.000 người tham gia khảo sát cho biết, họ sẽ ở bên gia đình vào dịp năm mới, chỉ 29% khẳng định đã lên kế hoạch ở bên người yêu.

Chen Xin phát biểu: "Chỉ cần nhìn đám đông chen lấn về quê ở các ga xe lửa, bạn có thể thấy Tết Âm lịch quan trọng như thế nào đối với người Trung Quốc. Tết Âm lịch đối với người Trung Quốc cũng ý nghĩa như Giáng Sinh của người phương Tây".

A Lang - thợ cắt tóc 24 tuổi - ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô - nói: "Khi yêu nhau, chúng ta có thể coi mọi ngày giống ngày Lễ Tình nhân. Bởi vậy, tôi vẫn về quê ăn Tết như mọi năm".

Tuy nhiên, A Lang cũng hứa "đền bù" cho người yêu bằng việc đưa cô ấy đi chơi Hội đèn lồng sau Tết.

Trong thế kỷ trước, Tết Âm lịch và ngày Lễ Tình nhân chỉ trùng nhau ba lần vào các năm 1915, 1934 và 1953. Tới năm 2048, người trẻ Trung Quốc mới một lần nữa phải băn khoăn chọn lựa giữa Tết và ngày Lễ Tình nhân.

Võ Giang
Theo Tân Hoa Xã

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.