Bangladesh: Cuộc sống khi có lệnh giới nghiêm

Bangladesh: Cuộc sống khi có lệnh giới nghiêm
TPO - Hôm qua, 23/8, sau 3 giờ nới lỏng, lệnh giới nghiêm khẩn cấp - được ban bố tại Bangladesh từ hôm 22/8 - tiếp tục có hiệu lực tại Thủ đô Dhaka và 5 thành phố khác của đất nước này.

>> Bangladesh: Chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm khẩn cấp

Tại nhiều khu vực, cảnh sát đã chặn các nhà báo, khách bộ hành, phương tiện vận tải thô sơ…- những người vi phạm lệnh giới nghiêm hoặc không mang theo giấy phép di chuyển.

Các thành phố trở nên vắng lặng..., chỉ có vài chiếc xe ba gác, xe cứu thương và ô tô chở lực lượng quân đội, cảnh sát… qua lại trên đường.

Hàng trăm hành khách và những người đưa tiễn đã phải ăn ngủ vạ vật tại các sân bay, nhà ga xe lửa, bến xe buýt khi lệnh giới nghiêm bất ngờ được ban bố vào đêm thứ tư.

Bangladesh: Cuộc sống khi có lệnh giới nghiêm ảnh 1
Một bà bầu Bangladesh khổ sở vì không gọi được taxi vào giờ giới nghiêm.

Lực lượng phản ứng nhanh, quân đội và cảnh sát vũ trang Bangladesh tuần tra khắp các nẻo đường tại 6 thành phố lớn để đảm bảo thực thi chặt chẽ lệnh giới nghiêm. Họ buộc các cửa hàng thuốc, tiệm tạp hóa và khách sạn phải đóng cửa.

Lệnh giới nghiêm cũng gây khó khăn cho việc di chuyển các bệnh nhân ốm nặng từ những khu vực xa xôi tới bệnh viện.

Hôm thứ năm, ban điều hành bệnh viện Medical College ở Thủ đô Dhaka phải hủy khoảng 40 ca mổ quan trọng đã lên lịch.

Tình trạng tương tự xảy ra ở nhiều bệnh viện và trạm xá tại 6 thành phố lớn của Bangladesh.

Hôm qua, nhiều công chức Bangladesh chỉ khi tới công sở mới biết cơ quan họ bị đóng cửa cả ngày. Một số sinh viên vẫn tới trường để hỏi xem liệu họ có phải dự kỳ thi trong ngày hay không?

Trong một thông báo phát đi lúc 9 giờ sáng thứ năm, chính phủ Bangladesh đã cho phép một ngày nghỉ tại tất cả các khu vực ở thành phố Dhaka và 5 thành phố khác. Tất cả các cơ quan công quyền, các tổ chức phi chính phủ, nhà băng, trường học… đều phải ngừng hoạt động.

Cuối chiều qua, hàng ngàn người bị mắc kẹt tại các khu vực khác nhau đã chen lấn trở về nhà, nhiều người vội vã mua sắm tất cả mọi nhu yếu phẩm khi lệnh giới nghiêm được nới lỏng trong 3 giờ. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các phương tiện vận tải công cộng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới họ. Trong khi đó, hệ thống thông tin liên lạc tiếp tục bị gián đoạn.

Quân đội và cảnh sát vũ trang đã chốt chặn các khu vực xung quanh ký túc xá trường Đại học Dhaka, nơi đã châm ngòi cho các cuộc bạo động tại Bangladesh tuần qua.

Lực lượng thực thi luật pháp đã bắt giữ 2 giáo viên của trường Đại học Dhaka và giải tán 2 nhóm sinh viên khi họ đang tập hợp để phát động các cuộc tuần hành.

Tại 6 thành phố của Bangladesh, cảnh sát đã bắt giữ hơn 100 người vi phạm luật giới nghiêm.

Huy Linh
Theo New Age, BBC

MỚI - NÓNG