Bangladesh giảm tuổi kết hôn, gây tranh cãi

Cô dâu Bangladesh 15 tuổi đang chờ xe hoa đến rước dâu
Cô dâu Bangladesh 15 tuổi đang chờ xe hoa đến rước dâu
TP - Bangladesh là một trong số quốc gia có tỉ lệ tảo hôn cao nhất thế giới, nên việc Quốc hội Bangladesh mới đây ban hành qui định mới về độ tuổi kết hôn đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Qui định mới cho phép các thiếu nữ dưới 18 tuổi được kết hôn trong một số trường hợp.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina và các thành viên chính phủ lập luận rằng, qui định mới là cần thiết để cứu trẻ em gái mang thai khỏi sự kì thị, xa lánh của xã hội.  Bà Rebecca Momin, lãnh đạo Ủy ban Các vấn đề phụ nữ và trẻ em của Quốc hội Bangladesh, nhận xét: “Xã hội ở nông thôn của chúng ta rất tàn nhẫn. Mọi người sẽ tẩy chay những thiếu nữ có thai. Những cô bé đó sẽ bị ghét bỏ ở trường học và những nơi khác. Người ta sẽ nói những điều khó chịu với bố mẹ cô bé”.

Năm 2014, một dự thảo tương tự về tuổi kết hôn được đưa ra, nhưng bị phản ứng dữ dội rồi bị hủy bỏ. Chính phủ Bangladesh đang nỗ lực sửa đổi luật. Theo luật mới, mỗi trường hợp tảo hôn sẽ được một ủy ban gồm các quan chức địa phương điều tra và được tòa án chấp thuận. Sự thay đổi này được các nhóm Hồi giáo hoan nghênh. Họ cho rằng, nó phù hợp các hoạt động tôn giáo truyền thống.

Những người ủng hộ nhân quyền cũng cho rằng, luật hiện hành có hiệu quả trong việc thuyết phục các bậc cha mẹ không bắt ép con cái mình kết hôn theo sự sắp đặt. Gần đây, một số cô gái trẻ đã biết vận dụng luật này để bảo vệ chính mình. Sinh viên Sharmin Akter, 17 tuổi, là một trong những trường hợp như vậy.  Năm 13  tuổi, cô bé bị bố mẹ ép cưới một người đàn ông lớn tuổi mà cô không hề biết. Cô tranh thủ sự hỗ trợ của một ủy ban phòng chống tảo hôn để gọi điện nhờ cảnh sát can thiệp và bố mẹ cô đã phải thừa nhận hành vi của mình. Giờ cô đang nỗ lực thuyết phục bố mẹ cho đi học tiếp vì theo quan niệm của bố mẹ cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, phụ nữ có học không tốt, rất khó tìm chồng.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng, các bé gái ở những vùng nông thôn nặng tư tưởng bảo thủ hiếm khi mang thai trước khi kết hôn. Một số người cho rằng, Thủ tướng Hasina đã chấp nhận mềm hóa luật mới để tranh thủ lá phiếu của những cử tri Hồi giáo bảo thủ.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, năm 2000, có tới 65% em gái Bangladesh kết hôn trước tuổi 18 và 38% kết hôn trước tuổi 15. Hiện nay, tỉ lệ thiếu nữ dưới 18 tuổi kết hôn còn 52% và dưới 15 tuổi là 18%.

Theo Theo The New York Times
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".