Bangladesh: Hỗn loạn vì cuộc đấu giữa hai phụ nữ

Bangladesh: Hỗn loạn vì cuộc đấu giữa hai phụ nữ
TPCN - Quốc gia Nam Á Bangladesh mấy ngày nay đang bị cuốn vào cơn lốc quyền lực. Tiêu điểm của cuộc tranh chấp lần này là việc lựa chọn ra người giữ vai trò cố vấn giám quản chính phủ.
Bangladesh: Hỗn loạn vì cuộc đấu giữa hai phụ nữ ảnh 1
Bà Hasina

Bangladesh có một chế độ rất đặc biệt là giám quản chính phủ. Sau khi Quốc hội giải tán, trong vòng 15 ngày, Tổng thống phải chọn ra chính phủ giám quản và cố vấn giám quản chính phủ.

Cố vấn trong vòng 3 tháng phải tổ chức bầu cử Quốc hội, đích thân cố vấn làm Thủ tướng, quyền lực rất lớn. Chính vì thế 2 chính đảng lớn nhất nước là Đảng Dân tộc (BNP) và Liên minh Nhân dân (Awami) quyết không nhượng bộ nhau trong vấn đề nhân sự cố vấn.

Theo quy định của Hiến pháp, cố vấn sẽ do viên chánh án tòa án tối cao cuối cùng trước khi chính phủ giải tán đảm nhiệm. Nhưng Liên minh Nhân dân cho rằng ông chánh án Hassan là người của đảng Dân tộc nên kiên quyết phản đối trao chức này cho ông.

Liên minh Nhân dân trong năm nay đã nhiều lần tổ chức bao vây thủ đô, bao vây Phủ thủ tướng, đòi cải cách thể chế bầu cử.

Từ ngày 5 đến 23/10, do áp lực từ trong và ngoài nước, hai đảng đã nhiều lần tiến hành đối thoại, nhưng đều không đạt được sự hòa giải, cuối cùng dẫn đến xung đột trên đường phố sau thời hạn chính phủ mãn nhiệm hôm 27/10.

Đảng Dân tộc và Liên minh Nhân dân đã đối đầu nhau suốt 15 năm. Việc có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai bên.

Điều thú vị là, mặc dù ở các quốc gia Hồi giáo, địa vị của phụ nữ thường không cao, nhưng hai người có quyền lực nhất đất nước Bangladesh lại đều là phụ nữ. Đó là Chủ tịch đảng Dân tộc, Thủ tướng vừa mãn nhiệm Khaleda Zia và Chủ tịch Liên minh Nhân dân, cựu Thủ tướng Hasina.

Thân thế hai người cũng có những điểm tương đồng: Khaleda Zia là vợ góa của cựu Thủ tướng Ziaur Rahman, còn Hasina là con gái đầu của vị thủ tướng khai quốc Mujibur Rahman. Cả hai vị cựu Thủ tướng này đều bị ám sát trong cuộc đấu đá quyền lực.

Hai người phụ nữ này kế tục ý chí của người đi trước, do hai đảng trường kỳ mâu thuẫn nên họ thường xuyên tranh thủ mọi thời cơ chỉ trích lẫn nhau, thậm chí cùng có mặt tại các cuộc gặp gỡ quốc tế, họ không chào hỏi nhau, coi nhau như những người xa lạ.

Bangladesh: Hỗn loạn vì cuộc đấu giữa hai phụ nữ ảnh 2
Bà Khaleda Zia

Nhiệt tình chính trị của dân chúng Bangladesh rất cao, các ngành các giới đều có các chính đảng. Trước khi xảy ra cuộc nội loạn này, cả nước vừa trải qua tháng Ramadan - một dịp lễ quan trọng của người Hồi giáo.

Do Liên minh Nhân dân và các đảng đối lập phát động biểu tình phong toả thủ đô và các đầu mối giao thông quan trọng nên rất nhiều người sau kỳ nghỉ lễ không thể quay về nơi làm việc được, vận tải hàng hóa hầu như tắc nghẽn, phần lớn các cửa hiệu đều đóng cửa không kinh doanh, giá cả tăng như ngựa phi.

Cục diện chính trị hỗn loạn đã gây nên thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước khiến nhiều người dân rất bất bình.

Thật là trớ trêu thay, mới chỉ nửa tháng trước khi diễn ra cuộc bạo loạn đẫm máu này, ông Muhammad Yunus, người Bangladesh và Ngân hàng Grameen do ông sáng lập để cho người nghèo vay các khoản tín dụng nhỏ đã được trao giải Nobel Hòa bình.

Khi đó cả nước đều tưng bừng phấn khởi, các đảng, các chính khách đều đua nhau phát biểu bày tỏ cần phát huy “tinh thần yêu chuộng hòa bình” của người dân Bangladesh.

Tổng thống Iajuddin Ahmed đã phải mấy lần đứng ra tổ chức hiệp thương khẩn cấp giữa các chính đảng nhưng đều thất bại. Trong tình thế bất đắc dĩ, tối 29/10, ông Iajuddin Ahmed đã phải tuyên bố đích thân ông sẽ đảm nhận chức vụ cố vấn. Còn quân đội thì có tin đã sẵn sàng can thiệp để duy trì trật tự khi cần thiết.

Thu Thủy
Theo Thời báo Hoàn cầu, TQ

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.