Bangladesh: Mắc bẫy bọn buôn người trong lốt chiêu sinh

Một số nạn nhân người Bangladesh đành nộp tiền để được ở lại kiếm tiền trả nợ. Ảnh: The Star.
Một số nạn nhân người Bangladesh đành nộp tiền để được ở lại kiếm tiền trả nợ. Ảnh: The Star.
TP - Hàng ngàn người Bangladesh đang bị bọn buôn người ở Malaysia dụ dỗ dưới vỏ bọc sang du học. Sau khi bỏ hàng ngàn đô la Mỹ để được sang du học Malaysia, nhiều người mới biết rằng mình bị lừa và phải đóng thêm tiền để được ở lại, rồi rơi vào vòng xoáy bị bóc lột.

Hàng ngàn thanh niên Bangladesh đã bị buôn bán sang Malaysia thông qua các trường đại học tư thục và những kẻ môi giới bất lương. Một số người Bangladesh đã phải trả hơn 4.660 USD (hơn 100 triệu đồng), tương đương ba năm lương ở Bangladesh, để có thị thực du học và nhập học các trường đại học, cao đẳng (không có thật, hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa). Khi đến Malaysia, nạn nhân mới biết rằng,đó là các trường “ma”, không có lớp học nào cả. Họ không thể kiếm việc làm bằng thị thực sinh viên, nên phải đóng thêm một loạt lệ phí bổ sung để được ở lại kiếm tiền trả nợ. Nhiều người không còn lựa chọn nào khác phải làm việc bất hợp pháp, tạo thành một chu kỳ bị bóc lột: kiếm đủ để trả nợ ở quê nhà, trả thêm cho bên môi giới một lần nữa để được gia hạn thị thực du học và làm việc chui. 

Một nạn nhân (24 tuổi, có bố hai lần đột qụy ở quê nhà nhưng không thể trở về) nói: “Bây giờ, tôi cần phải làm việc ở đây để trả tiền mua thuốc cho cha tôi. Tôi không thể về nhà, bởi vì gia đình tôi đã dành toàn bộ tiền để trả cho trung tâm môi giới du học”.

Hoạt động buôn người này bị phanh phui nhờ nhóm phóng viên điều tra của báo MalaysiaThe Star. Họ đã tiến hành một loạt cuộc điều tra bí mật, đóng vai nhà quản lý của nhà máy đang tìm kiếm lao động giá rẻ để gặp gỡ các đại lý du học, đóng vai sinh viên thâm nhập các trường đại học, và đi theo mọi ngả đường của bọn buôn người từ  Dhaka, Bangladesh tới Malaysia.

Một đại lý người Nepal nói với nhà báo là ông làm việc cho một “Datuk” - người sở hữu một trường cao đẳng tại Kuala Lumpur, và  buôn bán hơn 8.000 sinh viên Bangladesh sang Malaysia. Người này cho biết: “Buôn bán sinh viên Bangladesh dễ dàng và nhanh chóng. Tôi có trong tay 200-300 sinh viên Bangladesh, sau đó phân phối họ cho các trường cao đẳng và có thể kiếm được nhiều tiền. Chúng tôi có trung tâm ngôn ngữ và bốn trường đại học, tất cả đều giống như các công ty liên doanh”.

Nhiều nạn nhân đang phải sống và làm việc trong những điều kiện tồi tàn. “Điều kiện sống của chúng tôi ở đây tệ hơn các bãi rác trong khu ổ chuột của Dhaka”, một nạn nhân hiện là công nhân xây dựng sống trong một khu ổ chuột tại khu vực Cyberjaya nói. Anh cho biết, gia đình anh đã phải vay tiền để trả chi phí du học ở Malaysia (khoảng 260 USD/tháng); nhưng sang đây, anh chỉ kiếm được chưa đầy 19 USD/tháng. “Trong trường đại học của tôi, đã có khoảng 200-250 sinh viên Bangladesh, nhưng chỉ có 30-35 được gia hạn thị thực (để tiếp tục được ở lại), còn những người khác thì tôi không biết”,anh nói.

Trong quá trình điều tra của nhóm R.AGE, họ gặp hơn 30 nạn nhân và phát hiện gần 30 trường đại học có dấu hiệu liên kết với những kẻ buôn bán sinh viên. Một báo cáo trước đó của The Star tiết lộ, nhiều sinh viên nước ngoài đến các trường đại học khả nghi vào năm 2013. Bộ Giáo dục đại học Malaysia đã thu hồi giấy phép tuyển sinh sinh viên quốc tế của bốn tổ chức như vậy vào năm 2015. Kể từ đó, hơn 26 tổ chức đã bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn giấy phép. Nhiều trường không còn được tuyển sinh học viên quốc tế, nhưng họ vẫn tiếp tục hoạt động bằng cách đưa sinh viên đến các trường khác.

Theo Theo The Star
MỚI - NÓNG