Báo chí Trung Quốc khuyến cáo Mỹ 'hủy đàm phán nếu không chân thành'

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ( giữa) cùng với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại vòng đàm phán thương mại tuần trước ở Washington.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ( giữa) cùng với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại vòng đàm phán thương mại tuần trước ở Washington.
TPO - Trước tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông sẽ sớm trở lại Bắc Kinh để tiếp tục nối lại các đàm phán thương mại Mỹ-Trung sau vòng đàm phán mới nhất không đạt được thỏa thuận nào, báo chí Trung Quốc đồng loạt kêu gọi, Mỹ hãy tỏ ra chân thành hoặc hủy đàm phán.

Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, nước này đang chuẩn bị đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ nếu Washington tiếp tục các hành động cứng nhắc chống lại Bắc Kinh.

Một bình luận được đăng trên Taoran Notes, báo mạng của Nhật báo kinh tế Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc sẽ không đáp trả hiệu quả với Mỹ nếu Washington không tỏ ra chân thành trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại của hai nước.

Bài bình luận viết: “Nếu không có bất kỳ hành động cụ thể thực sự nào từ phía Mỹ, việc họ đến và đàm phán sẽ là vô nghĩa”.

Điều này ám chỉ tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 15/5 cho rằng, ông sẽ tiếp tục tới Bắc Kinh để tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc.

“Tốt hơn cả là hoãn các cuộc đàm phán và trả lại nó về quỹ đạo bình thường”, bài bình luận nhấn mạnh.

Bài bình luận còn cho biết thêm, Trung Quốc đã tỏ ra chân thành trong việc giải quyết các bế tắc bằng việc cử Phó thủ tướng Lưu Hạc tới Washington đàm phán cho dù trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định sẽ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Tuy vậy, Mỹ vẫn giữ lập trường cứng nhắc đối với Bắc Kinh sau khi đưa ra những hạn chế với công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc.

“Mỹ không tỏ ra chân thành để tiếp tục đàm phán. Thay vào đó, họ còn mở rộng các chiến thuật gây áp lực. Một mặt Mỹ cho biết vẫn tiếp tục đàm phán, nhưng mặt khác lại tiếp tục các thủ đoạn nhỏ nhen để phá hoại bầu không khí các cuộc đàm phán”, bài bình luận viết.

Trong một cuộc tấn công ngầm khác, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Châu Hiểu Xuyên cho biết trong một diễn đàn ở Bắc Kinh ngày 17/5 rằng, chiến thuật của một số nhà lãnh đạo là bất chấp logic và thất bại.

Ông Châu không chỉ đích danh Mỹ hay ông Trump, mà nói rằng: “Một số nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm đã vi phạm lý thuyết kinh tế và lẽ thường, và khi đưa ra các quyết định về chính sách thì chỉ phụ thuộc vào tư duy thương mại. Tôi tin rằng cách làm việc không khoa học này, bỏ qua kiến thức và lý thuyết mà người tiền nhiệm của chúng ta đã tích lũy, sẽ va vào tường.”

Nhận định này của ông Châu được đưa ra sau khi phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói, Trung Quốc đã không biết gì về chuyến đi đã lên kế hoạch của ông Mnuchin tới Bắc Kinh và cảm thấy tiếc nuối vì Mỹ đã đơn phương và liên tục leo thang các xung động thương mại.

Phát biểu tại một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, ông Mnuchin cho biết, nhiều khả năng ông sẽ tới Bắc Kinh trong tương lai gần để tiếp tục thảo luận. Trong khi đó ông Trump cũng cho biết, ông dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào tháng tới. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cho biết, họ không nhận được thông tin chính thức về cuộc gặp này.

Cựu thống đốc ngân hàng Trung Quốc khẳng định, việc sẵn sàng trả đũa của Bắc Kinh không nên bị xem nhẹ. Sự chân thành của Trung Quốc không được trả lại bằng một phản ứng tích cực. Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài trả đũa bằng cách áp thuế với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ.

“Nếu bất cứ ai nghĩ rằng Trung Quốc đang lừa gạt, đó sẽ chỉ là một tính toán sai lầm lớn khác. Chúng ta sẽ có biện pháp đối phó với bất cứ ai đặt thuế cho chúng ta”, ông Châu nói.

Ông Trần Long, một nhà kinh tế tại Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, cho biết hai nước vẫn còn một số vấn đề có liên quan đến nhau cần phải thảo luận, bao gồm thời gian và quy trình xóa bỏ thuế quan, và nhất trí sản phẩm nào - và với số lượng bao nhiều mà Bắc Kinh nên mua để giúp khắc phục thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Theo South China Morning Post
MỚI - NÓNG