“Bão” giá đe dọa đời sống của người dân

“Bão” giá đe dọa đời sống của người dân
TP- Ông Robert Zeigler, người Mỹ, Giám đốc Viện Nghiên cứu gạo quốc tế tại Manila (Philippines), cảnh báo: “Khi giá gạo tăng, chính quyền sẽ đổ. Nếu người dân không có đủ ăn hoặc không có tiền để mua đủ cái ăn, xã hội sẽ bất ổn”.

“Bão” tăng giá đang đổ bộ vào mọi ngõ ngách trên toàn thế giới, trở thành cơn ác mộng của cả nước nghèo lẫn nước giàu.

Ai Cập: Dân nổi giận vì thiếu bánh mì

Công nhân ngành dệt, giáo viên, bác sĩ, kế toán... bãi công vì giá các mặt hàng thực phẩm đã trở nên quá đắt so với thu nhập của những người bình thường.

Giá thực phẩm tăng hơn 26% trong 1 năm qua và tình cảnh càng tồi tệ hơn đối với 1/5 người dân Ai Cập sống với dưới 2 USD ngày.

Giá thịt gà tăng lên 4 USD/1 kg, cao gấp đôi so với cách đây 2 tháng. Chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết mức chi tiêu trung bình của các hộ gia đình ở Ai Cập tăng 50% chỉ trong 3 tháng qua.

Ngày 17/3, Tổng thống Hosni Mubarak phải lệnh cho các nhà sản xuất quân đội tăng sản phẩm để làm dịu bớt cuộc khủng hoảng bánh mì. 4 người dân thiệt mạng trong các cuộc đụng độ khi xếp hàng mua bánh mì trong những tuần gần đây. Tỷ lệ lạm phát ở Ai Cập đã tăng lên 12,5% vào tháng 2.

  Ngày 17/3, tại thủ đô và các thành phố khác của Burkina Faso (Tây Phi), có hàng ngàn người xuống đường biểu tình phản đối tình hình giá cả liên tục leo thang khiến cuộc sống của họ bị đe dọa.

Các nhà tổ chức còn cảnh báo sẽ tổ chức biểu tình quy mô toàn quốc nếu Chính phủ không có biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn cơn lốc tăng giá.

Tại Ma-rốc, cảnh sát vừa bắt giam hàng chục người tham gia bạo động xung quanh việc giá lương thực tăng.

Tại Yemen, giá bánh mỳ và các thực phẩm khác tăng gấp đôi trong 4 tháng qua châm ngòi cho biểu tình chống đối khiến hơn 10 người thiệt mạng.

Người dân Indonesia và nhiều nước khác cũng xuống đường biểu tình do giá lương thực tăng và buộc Chính phủ phải gia tăng việc trợ giá cho lương thực…

Tháng 1, khoảng 10.000 công nhân ở nhà máy dệt lớn nhất Ai Cập bãi công vì giá cả leo thang, đòi tăng lương. Tuần trước, giới bác sĩ ngừng làm việc để đòi được trả lương cao hơn.

Phát ngôn viên Hiệp hội Công dân chống tăng giá cảnh báo rằng Chính phủ cần nhận thức sự nghiêm trọng nếu không tình hình thậm chí sẽ tồi tệ hơn năm 1997 khi có ít nhất 77 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình “bánh mì”.

Giáo sư kinh tế Gouda Abdulkhaliq ở Cairo cho rằng, tình hình có thể tồi tệ hơn vì Chính phủ vẫn nói rằng kinh tế ổn định, tăng trưởng vững chắc và đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào.

Philippines: Chính phủ đau đầu vì thiếu gạo

Ngày 19/3, quan chức Philippines lên tiếng trấn an người dân rằng Chính phủ sẽ lo đủ gạo cho người dân. Bộ trưởng Nông nghiệp Arthur Yap cho biết Chính phủ có kế hoạch tăng diện tích đất trồng lúa và tăng khoản ngân sách để nhập khẩu gạo từ nước ngoài.

Theo ông Yap, số gạo dự trữ của Chính phủ còn đủ cho 57 ngày và tháng tới Cục lương thực quốc gia sẽ nhập khẩu thêm nửa triệu tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan.

 Do mùa màng thất bát, nhu cầu gạo ở Trung Đông và châu Phi gia tăng, giá gạo đã tăng lên hơn 700 USD/tấn, cao gấp 3 lần so với cách đây 3 năm khiến những nước nhập khẩu nhiều gạo như Philippines khốn đốn.

Bangladesh: Kêu gọi nước giàu giúp đỡ

Chương trình phát triển LHQ (UNDP) ngày 19/3 phải kêu gọi các nước giàu gia tăng sự ủng hộ cho Bangladesh, quốc gia đang gồng mình trước cơn bão tăng giá toàn cầu.

Theo UNDP, giá thực phẩm tăng là mối quan tâm lớn của hầu hết người dân Bangladesh, nơi có khoảng 40% dân số sống dưới mức nghèo đói và các hộ gia đình nghèo tiêu gần 70% thu nhập vào lương thực, thực phẩm.

Tình hình ở Bangladesh càng tồi tệ hơn khi lương thực thiếu hụt do lũ lụt. Ông Robert cảnh báo đang có mối đe doạ thực sự về sự mất ổn định của xã hội tại Bangladesh khi lũ lụt đã tàn phá hầu hết các cánh đồng trồng lúa.

Zimbabwe: Lương 4 tỷ đô la Z/tháng vẫn không đủ tiêu

Zimbabwe vốn nổi tiếng về mức lạm phát cao nhất thế giới, nhưng các kỷ lục về giá liên tục bị phá vỡ. Trong vài ngày qua, khi Chính phủ tăng lương cho công chức, giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác ngay lập tức tăng 300%.

Mức lương trung bình của 1 công chức từ 100.000 triệu đô la Z vào tháng 12/2007 được nâng lên 500.000 triệu đô la Z vào tháng 2/2008. Cuối tuần trước, lương của 1 viên chức Chính phủ được tăng lên 4 tỷ đô la Z/tháng.

Tuy nhiên, mức lương nay vẫn không đủ chi tiêu khi giá 1 chai dầu ăn 2 lít từ 45 triệu tăng lên 180 triệu đô la Z; 1 lít xăng vọt lên 70 triệu đô la Z; 1 túi ngô 10 kg có giá 250 triệu đô la Z.

Mức lương 50 triệu đô la Z/tháng của 1 viên chức đã về hưu chỉ đủ mua 1 cái bánh mì (20 triệu) và 1 lon nước ngọt (25 triệu). Còn lại 5 triệu đô la Z không đủ để mua 1 chiếc vé xe buýt (10 triệu).

Anh quốc: Dân chóng mặt vì hóa đơn điện, gas

Ngân hàng trung ương Anh quốc có kế hoạch cắt giảm lãi suất vào tháng 4 để giảm sức ép lạm phát. Tuy nhiên, khi biện pháp trên chưa được thực thi, hoá đơn tiền điện, gas trong các hộ gia đình vọt thêm 10,5% trong tháng qua.

Mặt khác, các con số thống kê về giá thực phẩm vừa công bố càng khiến chính quyền và người dân lo lắng. Giá các thực phẩm không theo mùa vụ ở Anh đã tăng lên 7,4% vào tháng 2, tăng nhanh nhất trong 10 năm qua. Giá sữa, pho mát, bánh mì tăng 17,6% vào tháng trước.

D.H
(Tổng hợp)

MỚI - NÓNG