Bão giá thổi qua địa cầu

Bão giá thổi qua địa cầu
Tuần qua, tại Ai Cập vì giành nhau bánh mì giá rẻ, có hai người đã phải thiệt mạng. Tháng trước, bạo loạn vì thiếu lương thực đã xảy ra ở Burkina Faso và Cameroon. Ở Ý, giá mì ống tăng cao khiến sức tiêu thụ giảm 5% trong hai tháng vừa rồi...
Bão giá thổi qua địa cầu ảnh 1
Một quầy thịt ở Islamshahr (Iran)- Ảnh: Reuters

Bão giá lương thực đang làm nghiêng ngả đời sống của người dân trên khắp thế giới.

Giá lương thực còn cao trong mười năm tới

Theo nhận định của nhà kinh tế và là đại diện của Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) Abdolreza Abbassian, giá lương thực có thể rồi sẽ bình ổn khi Mỹ, Canada, châu Âu thực hiện kế hoạch gieo trồng ngũ cốc nhiều hơn từ năm tới, để phục vụ cả việc tiêu thụ của người lẫn việc sản xuất dầu sinh học, nhưng theo ông "người tiêu dùng sẽ phải chịu mua lương thực giá đắt trong ít nhất mười năm nữa"!

Giá dầu hỏa tăng là một trong những nguyên nhân khiến giá lương thực tăng, vì giá dầu tăng kéo theo giá phân bón, chi phí vận chuyển, chi phí xử lý thực phẩm tăng. Ở những nước đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu về thịt và bơ sữa tăng lên khiến giá ngũ cốc tăng theo, vì gia súc cần nhiều ngũ cốc để ăn hơn mà nguồn cung lại có hạn.

Một điều hiếm khi xảy ra là cơn bão giá đang tác động vào tất cả loại lương thực chính ở hầu hết các nước trong cùng một lúc. Ở Mỹ, giá lương thực tăng 4% trong năm ngoái, là mức tăng kỷ lục tính từ năm 1990. Ở Ai Cập, giá bánh mì tăng 35%, giá dầu ăn tăng 26%. Ở Trung Quốc, năm vừa rồi giá thịt heo bỗng nhảy lên thêm 58% do giá ngũ cốc tăng mà khách mua vẫn không ít đi.

Theo Jing Ulrich, một nhà quản lý của JP Morgan, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu bán ngũ cốc trong kho dự trữ để kéo giá xuống. Bà Ulrich nói: "Nhưng việc này không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Nguyên nhân của giá tăng là do cung cầu không cân bằng với nhau. Cầu quá mạnh còn cung thì có hạn".

Philippines: mua gạo dự trữ

Tại Philippines, Bộ trưởng Nông nghiệp Arthur Yap khuyên các cửa hàng thức ăn nhanh và những tụ điểm ăn uống khác "chỉ nên đơm cho khách nửa chén cơm thay vì một chén" nhằm tránh lãng phí.

Mặc dù sản lượng gạo của Philippines đã tăng 6% trong năm 2007, nhưng vẫn không đủ nguồn cung. Tổng thống Arroyo đã quyết định mua gạo trên thị trường thế giới nhằm đảm bảo kho dự trữ lương thực hiện đang thiếu tới hai tháng của nước này.

Một quan chức cho biết chính phủ dự định tăng trợ cấp giá gạo, mặc dù việc này sẽ tác động xấu đến tình hình tài chính đang có dấu hiệu lạc quan trở lại. Chính phủ Philippines cũng sẵn sàng tiếp cận các kho dự trữ khẩn cấp của Đông Nam Á nếu cần thiết.

Hiện nay, nhiều nhóm nông dân Phillippines hối thúc chính phủ tăng sản lượng gạo thông qua "cải cách ruộng đất thật sự", ngăn chặn tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp và loại bỏ những thỏa thuận trao quyền sử dụng đất cho người nước ngoài. Một quan chức Philippines nhận định sự thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, cùng với kho dự trữ của các nước giàu không còn dồi dào như trước, thời tiết bất thường, mùa màng thu hoạch kém... sẽ khiến giá gạo tiếp tục tăng đều đặn.

Hàn Quốc kiểm soát giá 52 mặt hàng thiết yếu

Để giúp các gia đình thu nhập thấp vượt qua cơn lạm phát hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố danh mục 52 mặt hàng sẽ được nhà nước kiểm soát giá, chia thành năm nhóm, gồm nông sản (bắp cải, trứng, gạo, thịt bò, thịt heo...), thực phẩm chế biến (bột mì, dầu ăn, sữa, đường, bánh mì, mì, rượu soju...), hàng tiêu dùng (bột giặt, xăng dầu, gas...), phí dịch vụ công (điện nước, vé xe buýt và tàu điện ngầm, điện thoại di động...), và các phí khác (học phí nhà trẻ...).

Báo JoongAng Daily cho biết Bộ Chiến lược và tài chính công bố danh mục trên tại một cuộc họp nội các do Tổng thống Lee Myung Bak chủ trì. Bộ sẽ kiểm tra biến động giá mười ngày một lần.

Ông Yim Jong Yong, giám đốc chính sách kinh tế của bộ, cho biết: "Chúng tôi sẽ giúp bình ổn giá bằng cách giảm thuế nhập khẩu, cải thiện các kênh phân phối và thúc đẩy cạnh tranh".

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.