Báo giới phản đối luật tài liệu mật

Người biểu tình giơ biển “Tôi yêu những bí mật” để phản đối luật tài liệu mật tại thành phố Cape Town hôm 22-11 Ảnh: AP
Người biểu tình giơ biển “Tôi yêu những bí mật” để phản đối luật tài liệu mật tại thành phố Cape Town hôm 22-11 Ảnh: AP
TP - Ngày 22-11, Hạ viện Nam Phi thông qua dự luật Bảo vệ thông tin nhà nước với đa số phiếu tán thành. Tổng giám mục Desmond Tutu, người được trao giải Nobel Hòa bình, gọi đây là sự sỉ nhục, còn đông đảo nhà báo Nam Phi đeo mặt nạ để phản đối.

> Biểu tình đẫm máu, 22 người chết

Người biểu tình giơ biển “Tôi yêu những bí mật” để phản đối luật tài liệu mật tại thành phố Cape Town hôm 22-11 Ảnh: AP
Người biểu tình giơ biển “Tôi yêu những bí mật” để phản đối luật tài liệu mật tại thành phố Cape Town hôm 22-11.  Ảnh: AP.

Ông Tutu cảnh báo rằng, luật tài liệu mật có thể được sử dụng để đặt “báo chí điều tra” ra ngoài vòng pháp luật. Các nhà báo đeo mặt nạ đen đứng ngoài trụ sở của đảng ANC cầm quyền (chiếm 2/3 số ghế trong Quốc hội Nam Phi) để phản đối luật mới. ANC nói rằng luật mới nhằm bảo đảm bí mật nhà nước và an ninh quốc gia.

Dự luật sẽ được Thượng viện xem xét thông qua và được Tổng thống ký ban hành trước khi trở thành luật. Đảng đối lập chính, Liên minh Dân chủ, nói sẽ đề nghị Tòa án Hiến pháp tuyên bố luật mới là vi hiến.

Theo dự luật Bảo vệ thông tin nhà nước, án phạt tù lên tới 25 năm dành cho bất kỳ ai chiếm hữu tài liệu mật của chính phủ, dù có nhân danh lợi ích của công chúng để làm điều đó.

Nhà báo và công dân Nam Phi sẽ bị coi là gián điệp nước ngoài nếu bị phát hiện sở hữu thông tin được coi là bí mật nhà nước. Những người phản đối dự luật cho rằng, việc thông qua là đòn giáng mạnh vào báo chí đang thu hút sự chú ý của công luận về một số quan chức cao cấp của ANC bị cáo buộc tham nhũng.

Dự luật cho phép nhà nước quyền xếp loại tài liệu ở mức độ mật vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia được định nghĩa rất mơ hồ, có thể bao gồm các báo cáo về tham nhũng và lạm dụng nhân quyền, theo nhiều nhà báo.

Gần đây, Mac Maharaj, người phát ngôn của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, kiện báo Mail & Guardian của nước này để báo không đăng tin ông Maharaj liên quan một vụ mua bán vũ khí gây tranh cãi. Báo chí Nam Phi sử dụng tài liệu mật để đăng tin bài về vấn đề này. Tuy nhiên, với luật mới, khi có hành động tương tự, phóng viên, biên tập viên có thể nhận án tù khá nặng.

Minh Long
Theo BBC, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG